Mặc dù FedNow hiện không liên quan đến đồng đô kỹ thuật số hay ngành tiền mã hóa, giới chuyên gia vẫn đưa báo động đến CBDC của ngân hàng trung ương nói chung.
Mỹ ra mắt FedNow, bước tiến hay rủi ro với ngành crypto?
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã phủ nhận thông tin dịch vụ thanh toán tức thời của họ, FedNow, có liên quan đến lĩnh vực tài sản số.
Dẫu vậy, giới phân tích vẫn tin rằng hệ thống mới có thể là nền móng trong việc xây dựng hạ tầng cần thiết cho đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) tại Mỹ.
Tối ngày 20/07 vừa qua, Fed đã chính thức ra mắt dịch vụ thanh toán tức thì FedNow, giúp quá trình gửi và nhận tiền diễn ra gần như ngay lập tức bao phủ khắp Hoa Kỳ. Sự kiện được đánh giá là rất đáng chú ý, giữa bối cảnh người dân Mỹ vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt và chi phiếu, trong khi thời gian chuyển khoản ngân hàng có thể mất đến vài ngày.
@federalreserve announces that its new system for instant payments, the FedNow® Service, is now live (1/4): https://t.co/LKnPLZCRGF
— Federal Reserve (@federalreserve) July 20, 2023
Được thai nghén từ năm 2019, song mãi đến nay FedNow mới “thành hình”. Hệ thống hỗ trợ giao dịch tối đa 500.000 USD, vẫn thấp hơn đáng kể so với con số 5 triệu USD của dịch vụ chuyển tiền chính Fedwire đang được ưa chuộng.
Với FedNow, các tổ chức có thể chuyển lương và khoản chi giải ngân của chính phủ, cũng như thanh toán hoá đơn nhanh và tiện lợi. Hiện tại, hệ thống chỉ nhận được số ít trong tổng số 4.000 ngân hàng ở Mỹ đăng ký sử dụng, có các ông lớn JPMorgan, BNY Mellon và Wells Fargo.
Sau thông tin trên, Bitcoin đã giảm nhẹ xuống dưới mốc 29.000 USD và hình thành rõ hai luồng dư luận. Song hành với những đồng tình ủng hộ FedNow, nhiều người tỏ ra quan ngại hệ thống này sẽ cạnh tranh trực tiếp và xóa sổ crypto, khi cả hai cùng hướng tới mục đích chuyển tiền dễ dàng và nhanh chóng 24/7.
Jim Bianco, Chủ tịch Bianco Research, nêu quan điểm thiện chí:
"Đây rõ ràng là một hệ thống thanh toán, không phải token kỹ thuật số hay CBDC. Dịch vụ này thậm chí còn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển CBDC.”
Một số nhà lập pháp và lãnh đạo, đặc biệt từ nhánh đảng Cộng hòa, bày tỏ lo ngại CBDC có thể dễ bị chính quyền thao túng hoặc kiểm duyệt giao dịch. Dẫn chứng, Thống đốc Florida hiện tại và ứng cử viên tổng thống Ron DeSantis đã nhiều lần quả quyết sẽ cấm CBDC nếu đắc cử, bởi ông coi đó là một hình thức kìm kẹp gián tiếp bởi chính phủ.
Dave Weisberger, CEO kiêm sáng lập CoinRoutes trình bày ý kiến:
"Nếu FedNow thực sự trở thành một CBDC, thì về mặt lý thuyết nó có thể được sử dụng để chặn thanh toán cho các mặt hàng mà chính phủ không ủng hộ hoặc loại bỏ những người được xem là mối đe dọa hay đối thủ chính trị khỏi bộ máy tài chính. Trong tình huống đó, mọi thứ trở nên rất tồi tệ."
Ngay cả bản thân giới ngân hàng cũng hoài nghi về FedNow, chỉ trích thiếu cơ cấu lãnh đạo và kế hoạch kinh doanh rõ ràng. Trong khi hệ thống được vận hành thông qua tiền nộp thuế của người dân, Viện Chính sách Ngân hàng (BPI) viết. Một số chuyên gia khác ngầm chỉ ra rằng FedNow đang “đạp đổ chén cơm” của nhiều ngân hàng hưởng lợi từ dịch vụ thanh toán chậm.
Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên giới thiệu các công cụ đổi mới như FedNow. Anh, Ấn Độ hay Brazil đã từng ra mắt hệ thống tương tự từ nhiều năm trước.
Nhìn chung, dù cho FedNow mang lại trải nghiệm thanh toán tương tự crypto, hệ thống này vẫn chưa thể đáp ứng được đầy đủ tính năng, đặc tính phi tập trung, chống kiểm duyệt và không phụ thuộc vào bên thứ ba của tiền mã hóa. Những yếu tố này vẫn đang là trụ cột chính, giữ cho Bitcoin tiếp tục tồn tại trong tương lai.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68