Các nghị sĩ Mỹ trong ngày 03/08 đã đồng loạt các đề xuất mới nhắm đến việc quản lý lĩnh vực tiền mã hóa và làm rõ điều khoản đánh thuế crypto gây tranh cãi.
Ngày 03/08, 4 Thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban Nông nghiệp Thương viện đã đệ trình một dự thảo luật để biến Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn (CFTC) trở thành đơn vị quản lý lĩnh vực tiền mã hóa.
Cụ thể, dự thảo “Dự luật Bảo vệ Người tiêu dùng trong lĩnh vực Hàng hóa Kỹ thuật số 2022” mong muốn thiết lập định nghĩa pháp lý cho các tài sản tiền mã hóa và đưa hoạt động giao dịch chúng về dưới quyền giám sát của CFTC.
Dự luật cũng xếp hai đồng crypto hàng đầu là Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) vào danh mục “tài sản hàng hóa” thay vì là chứng khoán, tiếp nối chuỗi tranh cãi gần đây về việc đồng tiền mã hóa nào sẽ bị xem là chứng khoán. CFTC sẽ được quyền xem bất kỳ loại tài sản crypto nào là “hàng hóa”, miễn là không bị phủ quyết bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC).
Đây là nỗ lực mới nhất của các nhà lập pháp Hoa Kỳ nhằm đáp lại lời kêu gọi đưa tiền mã hóa vào khuôn khổ pháp lý được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị qua mệnh lệnh hành pháp vào tháng 2.
Vào tháng 06/2022, Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis đã đệ trình một dự thảo luật quản lý crypto được bà tuyên bố là “toàn diện”, đề cập các khía cạnh như quản lý sàn giao dịch, đơn vị phát hành stablecoin, mối liên hệ giữa CTFC – SEC, các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, DeFi, DAO,…
Trong cùng ngày 03/08, một nhóm nghị sĩ khác với sự góp mặt của bà Lummis cùng ông Pat Toomey – hai quan chức thể hiện nhiều sự quan tâm nhất đến lĩnh vực tiền mã hóa – đã đệ trình một bản sửa đổi cho điều khoản đánh thuê “nhà môi giới crypto” trong Luật Cơ sở Hạ tầng 2021 đã được Tổng thống Biden phê duyệt vào tháng 11 năm ngoái.
Như đã được Coincuatui đưa tin, luật yêu cầu các “nhà môi giới tiền mã hóa” xử lý giao dịch crypto có giá trị từ 10.000 USD trở lên phải báo cáo hoạt động và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Sở thuế vụ Hoa Kỳ (IRS). Tuy nhiên, luật lại không quy định rõ định nghĩa thế nào là “nhà môi giới crypto”, thay vào đó đánh đồng “bất kỳ đơn vị nào cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động chuyển giao tiền mã hóa đều là nhà môi giới”.
Sự “mơ hồ” trong luật vô tình làm dấy lo ngại đối với phần lớn cộng đồng tiền mã hóa. Vì nếu dựa theo cách định nghĩa trên, sẽ bao gồm tất cả các bên như thợ đào, nhà sản xuất, người vận hành node, người tham gia staking, người bán máy đào và nhà phát triển phần mềm (ví dụ như ví crypto) cũng phải chịu trách nhiệm báo cáo thông tin thuế của người dùng tiền mã hóa. Đây thật sự là vấn đề bất khả thi về mặt triển khai, vì bởi lẽ trong không gian tiền mã hóa, mọi giao dịch đều ẩn danh và số lượng giao dịch hàng ngày là rất lớn.
Để tránh gây cản trở tiến bộ công nghệ, nhóm các Thượng nghị sĩ gồm bà Lummis và ông Toomey đã đệ trình một bản sửa đổi, yêu cầu định nghĩa “nhà môi giới” phải loại bỏ: A/ những người chỉ tham gia xác minh giao dịch trên sổ cái phân tán, không cung cấp các chức năng và dịch vụ khác (ám chỉ các node và thợ đào); và B/ những người bán phần mềm hay phần cứng với chức năng duy nhất là cho phép người sử dụng lưu trữ private key để truy cập đến tài sản kỹ thuật số trên sổ cái phân tán (ám chỉ những bên phát triển ví phần cứng và phần mềm).
Nội dung bản sửa đổi là gần như giống hoàn toàn nỗ lực tương tự đã được nhóm nghị sĩ trên thực hiện vào tháng 07/2021, thời điểm dự luật gốc được đưa ra thảo luận trước Thượng viện. Tuy nhiên, đã không có sự đồng thuận nào được đạt đến và dự luật đã được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua, và chính thức được ông Biden ký thành luật.
Trong thư gửi đến nhóm nghị sĩ trên vào tháng 02/2022, đại diện Bộ Tài chính Mỹ – cơ quan được ủy nhiệm thi hành luật đánh thuế nhà môi giới crypto – thừa nhận đã nhận thức được vấn đề và sẽ chỉ áp đặt quy định lên những thành phần có quyền tiếp cận đến thông tin mua bán và giao dịch của người nộp thuế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lời xác nhận qua thư chứ chưa phải văn bản quy phạm luật chính thức.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68