Khi nhắc đến giới siêu giàu của Hàn Quốc chúng ta thường nghĩ đến những chaebol (doanh nghiệp gia đình trị) như Samsung, LG, Hyundai hay Lotte. Tuy nhiên, bên cạnh những gia tộc đó vẫn còn những triệu phú tự thân như Kim Beom Su, người không những có thể tạo nên cơ nghiệp từ bàn tay trắng mà còn đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực Internet của xứ sở kim chi qua nền tảng KakaoTalk. Vậy Kim Beom Su là ai? Hãy cùng Coincuatui tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Kim Beom Su là ai? Tiểu sử nhà sáng lập KakaoTalk
Kim Beom Su là triệu phú tự thân người đứng sau sự thành công của KakaoTalk, ứng dụng nhắn tin, trò chuyện phổ biến nhất tại Hàn Quốc. Giai đoạn năm 2020 - 2021, khi thị trường tạm chững lại vì ảnh hưởng của đại dịch, Kim Beom Su lại ăn nên làm ra khi người dân Hàn Quốc liên tục sử dụng KakaoTalk khiến giá cổ phiếu của công ty tăng cao lên đến mức 91%. Hiện tại theo dữ liệu được cung cấp bởi Forbes, tài sản của Kim Beom Su đang nắm giữ là hơn 4 tỷ USD, đứng thứ 680 trong danh sách tỷ phú thế giới.
Kim Beom Su sinh ngày 08/03/1966 tại Damyang, Hàn Quốc trong một gia đình ở tầng lớp thấp với cha là công nhân và mẹ là giúp việc, cả 2 đều là những người lao động phổ thông và không kiếm được nhiều tiền. Năm người trong gia đình họ Kim phải sống trong một căn phòng cho thuê nhỏ thuộc khu phố nghèo tại Seoul và thường xuyên trong tình trạng chạy ăn từng bữa.
Chân dung Kim Beom Su
Vì lớn lên trong túng thiếu nên Kim Beom Su có ý chí rất lớn trong việc thoát nghèo và con đường duy nhất để làm được việc này đó chính là học tập. Ông là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học và đã phải bươn chải rất nhiều nghề để trang trải tiền học phí từ dạy kèm gia sư cho đến bồi bàn. Thậm chí để có đủ tiền học phí, Kim Beom Su đã từng bỏ bữa để tiết kiệm tiền. Năm 1988, ông tốt nghiệp cử nhân ngành Kỹ thuật và sau đó tiếp tục theo học bằng thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Seoul. Sau khi tốt nghiệp, ông đầu quân cho Samsung SDS, đơn vị chuyên trách dịch vụ công nghệ thông tin của tập đoàn ở vị trí kỹ sư phần mềm.
Năm 1993, Kim Beom Su đã bỏ nghiệp làm công để mở một tiệm cafe Internet và cùng lúc đó phát triển Hangame Communications với số vốn vay mượn từ gia đình và bạn bè. Công ty này sau đó được sáp nhập với Naver, từ đó trở thành cổng thông tin điện tử lớn nhất xứ kim chi. Sau đó, Kim Beom Su chuyển đến thung lũng Silicon với mục đích mở rộng độ phủ của công ty sang Mỹ, tuy nhiên, mọi việc lại dừng lại vào năm 2007 khi ông lần đầu được nhìn thấy chiếc iPhone đầu tiên của Steve Jobs.
Vào thời điểm đó, thị trường điện thoại di động chỉ đang dừng ở mức nghe gọi và nhắn tin, những tiện ích giải trí rất tối giản và thường phải dựa vào kết nối GPRS để liên kết mạng. Vì thế, khi vừa ra đời, chiếc iPhone đầu tiên đã tái định nghĩa lại cách sử dụng điện thoại di động mà trong đó, vấn đề kết nối và trò chuyện sẽ diễn ra nhanh chóng, thuận tiện.
Logo KakaoTalk
Nắm được cơ hội đó, Kim Beom Su đã cho thành lập IWILAB, một nơi được tạo ra để ươm mầm cho những doanh nhân Hàn Quốc. Thế nhưng, trước tình thế có một phát kiến vĩ đại như iPhone đang dần chiếm lĩnh thị trường từ các ông lớn như Nokia và Motorola thì Kim Beom Su không thể nào đứng yên nhìn thị phần ứng dụng di động bị chiếm lĩnh bởi Naver Talk.
Do đó, vào năm 2010, KakaoTalk đã ra đời và chỉ 9 tháng sau, ứng dụng này cán mốc 1 triệu lượt tải xuống lần đầu tiên tại Hàn Quốc, đánh bật các đối thủ khác trong cùng lĩnh vực. Ứng dụng này không những thay đổi thói quen trả tiền khi nhắn tin của người dân Hàn Quốc mà nó còn giúp những ngành khác tăng trưởng khi giờ đây, người dùng KakaoTalk hoàn toàn có thể gọi taxi và sử dụng các dịch vụ giải trí. Với bước khởi đầu suôn sẻ, KakaoTalk từng bước chiếm lĩnh thị phần với hơn 93% dân số Hàn Quốc sử dụng và 34 tỷ USD vốn hoá thị trường, xếp ngang hàng với các chaebol khác như Samsung, SK, LG và Hyundai.
Tuy không được chính phủ Hàn Quốc đồng ý một cách trực tiếp nhưng Kakao, công ty mẹ của ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại xứ kim chi KakaoTalk vẫn phát triển mảng blockchain tại Singapore. Theo báo cáo của The Korea Herald vào năm 2021, KakaoTalk đã thành lập 2 tổ chức chuyên biệt với 2 chức năng khác nhau nhưng cùng chung một mục tiêu hướng về blockchain. Cụ thể, Klaytn Foundation sẽ là tổ chức phi lợi nhuận và Krust sẽ có vai trò là một đơn vị thúc đẩy sự phát triển của công nghệ blockchain.
Cả 2 đơn vị trên đều nằm trong kế hoạch thâm nhập vào thị trường Singapore thông qua dự án blockchain Klatyn của Kakao. Klaytn là nền tảng blockchain được phát triển bởi Ground X với mục tiêu hướng đến các khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức. Vì thế, Klaytn được tạo ra nhằm mang đến giải pháp dựa trên blockchain có thể tích hợp vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Bên trên là những thông tin về Kim Beom Su và những thành công của ông trên con đường lèo lái KakaoTalk trở thành ứng dụng nhắn tin top 1 thị trường. Thông qua bài viết, hy vọng Coincuatui đã mang đến cho người đọc góc nhìn tổng quan nhất về Kim Beom Su cũng như hành trình trở thành tỷ phú tự thân ngang hàng với các chaebol tại Hàn Quốc.
Nguồn: Coin68