Nhắc đến Trung Quốc, bên cạnh lĩnh vực công nghệ với những tỷ phú như Jack Ma hay Trương Nhất Minh thì chúng ta không thể bỏ qua những ông lớn trong mảng điện thoại di động như Xiaomi của Lôi Quân. Xiaomi ngay từ khi ra mắt người tiêu dùng đã nổi tiếng với những sản phẩm có giá thành cạnh tranh và chất lượng cao. Để làm được điều đó, Xiaomi đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm dưới bàn tay lãnh đạo tài hoa của Lôi Quân. Vậy Lôi Quân là ai và ông đã làm những gì để khiến Xiaomi có thể cạnh tranh lại các ông lớn như Apple và Samsung? Hãy cùng Coincuatui tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Lôi Quân là ai? Tiểu sử nhà sáng lập Xiaomi
Lôi Quân (Lei Jun) là tỷ phú, doanh nhân người Trung Quốc, đồng thời ông là sáng lập của Xiaomi, hãng di động thuộc top 10 thương hiệu điện thoại lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu được cung cấp bởi Forbes, Lôi Quân hiện đang giữ vị trí thứ 123 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất hành tinh với khối tài sản ròng lên đến gần 14 tỷ USD.
Chân dung Lôi Quân
Lôi Quân sinh ngày 16/12/1969 tại Tiên Đào (Hồ Bắc, Trung Quốc), trong một gia đình tương đối bình thường, tuy vậy, cha mẹ ông vẫn cố gắng để Lôi Quân được ăn học đầy đủ. Năm 1987, Lôi Quân tốt nghiệp trung học và đậu vào Đại học Vũ Hán ngành khoa học máy tính.
Tại đây, ông đã có cơ hội tiếp cận với những kiến thức về lập trình, gia công phần cứng nhưng những trang sách về Steve Jobs có lẽ là điều đã thay đổi quan điểm và tư duy của ông. Điều này phần nào lý giải được phong cách ăn mặc giản dị với áo phông đen và quần jean trong mỗi buổi thuyết trình sản phẩm. Cách thuyết trình say mê và đầy cảm hứng đã thể hiện sự đam mê của ông rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể cạnh tranh với những ông lớn công nghệ nước ngoài như Apple hay Samsung.
Năm 1989, khi các sinh viên khác vẫn còn đang miệt mài với việc học, Lôi Quân đã tốt nghiệp Đại học Vũ Hán với tấm bằng cử nhân ngành khoa học máy tính ở vị trí thứ 6 toàn khoa. Ba năm sau ngày tốt nghiệp, ông đầu quân cho Kingsoft, một startup công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc. Năm 1997, Lôi Quân được bổ nhiệm làm CEO của công ty này vì những đóng góp trong doanh thu của Kingsoft.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian trên, Kingsoft không phải là công việc duy nhất của Lôi Quân. Trong giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2001, Lôi Quân đã khởi nghiệp nhiều lần nhưng trong đó Joyo.com là thương vụ thành công nhất. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm phát triển, nền tảng bán sách này đã được Amazon mua lại với giá trị lên đến 75 triệu USD. Cũng trong thời gian ấy, Lôi Quân cũng đầu tư vào những công ty khởi nghiệp khác, chi tiết các thương vụ không được tiết lộ nhưng Lôi Quân được cho là đã thu về hàng chục triệu USD từ những thương vụ này.
Năm 2010, thị trường Trung Quốc vẫn đang tràn ngập sản phẩm điện thoại di động của Apple và Samsung với giá thành cao và khó tiếp cận. Lôi Quân nhận định rằng ngách thị trường vẫn còn bỏ ngỏ với các sản phẩm điện thoại di động giá rẻ. Vì thế, ông cùng các cộng sự của mình đều là những người từng làm việc tại các công ty công nghệ lớn như Kingsoft, Google, Motorola đã thành lập Xiaomi. Tuy chỉ vừa thành lập nhưng Xiaomi đã lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư của Yunfeng Capital Management và thu về hơn 1 tỷ USD.
Tuy số tiền 1 tỷ USD không là gì nếu đem so sánh với số tài sản hiện tại của Lôi Quân nhưng ở thời điểm đó, nó vẫn đủ để Xiaomi mang đến cho thị trường những sản phẩm thiết bị di động có mẫu mã đẹp với mức giá phải chăng. Chiến lược mà Lôi Quân sử dụng là bán mấy giá rẻ và thu tiền từ những dịch vụ đi kèm khi mua sản phẩm. Năm 2011, chỉ sau hơn 1 ngày ra mắt, chiếc smartphone đầu tiên của hãng đã thu về hơn 300 nghìn đơn đặt hàng. Đến thế hệ tiếp theo của chiếc smartphone trên, Xiaomi đã nhận hơn 3 triệu đơn đặt hàng sớm những chiếc Mi Ones ngay cả khi chúng chưa kịp mở bán.
Là một người gần như thuộc top đầu tiên phong trong giới công nghệ tại Trung Quốc, sẽ không khó hiểu khi Lôi Quân và Xiaomi đi đầu trong việc chấp nhận và sử dụng những tiện ích của blockchain cùng như tiền mã hoá. Tuy vậy, gã khổng lồ Trung Quốc cũng khá thận trọng khi áp dụng tiền mã hoá vào các phương thức thanh toán của mình khi chính quyền Bắc Kinh được cho là có thái độ cứng rắn với những phát kiến mới này.
Cụ thể, nhà bán lẻ chính thức của Xiaomi tại Bồ Đào Nha đã chính thức chấp nhận tiền mã hoá là tiền tệ thanh toán bên cạnh các đồng tiền pháp định. Khách hàng hoàn toàn có thể thanh toán những sản phẩm của Xiaomi từ smartphone đến smart home bằng Bitcoin, Ethereum, Tether hay Dash. Ngoài ra, để khách hàng có thể thanh toán một cách nhanh chóng, Mi Store Bồ Đào Nha cũng chấp nhận thanh toán bằng UTK, token của Utrust (nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền mã hóa của Thụy Sĩ).
Vào ngày 19/04/2018, Xiaomi đã triển khai một ứng dụng mang tên Xiaomi WiFi Chain cung cấp khả năng kết nối wifi và earn một phần thưởng nhỏ mang tên “Mili". Đây là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình của Xiaomi khi công ty này là cái tên thứ 3 sau Samsung và Huawei sử dụng công nghệ blockchain. Mili được tạo ra như một chất để kích thích nhu cầu sử dụng app của Xiaomi và Mili có thể được dùng để đổi thành NFT trong bộ sưu tập Xiaomi Crypto Rabbit.
Theo những chia sẻ của Tang Mu, phó chủ tịch của hệ sinh thái Xiaomi, Mili không phải là một token mà nó là một đơn vị phi tập trung, không có giá trị quy đổi trực tiếp thành tiền. Người này cũng cho biết thêm rằng Xiaomi WiFi Chain không phải là một blockchain mà nó chỉ ứng dụng một phần nhỏ sản phẩm của blockchain.
Bên trên là những thông tin về Lôi Quân và những thành công của ông với đế chế Xiaomi. Thông qua bài viết, hy vọng Coincuatui đã mang đến cho người đọc góc nhìn tổng quan nhất về Lôi Quân cũng như những điều ông đã đạt được trong suất quá trình thành lập và phát triển Xiaomi.
Nguồn: Coin68