Tiền mã hóa đã băng hà. Tiền mã hóa vạn tuế.
Tôi ước gì mình từng là một con người chín chắn hơn. Tôi ước gì bản thân mình trưởng thành kịp lúc để chứng kiến sự ra đời của chính sách tiền tệ. Tôi ước mình có thể nhìn thấy những sai lầm mà *họ* đã mắc phải, bởi tôi tin rằng chúng ta cũng đang đi vào vết xe đổ đó.
Một cảm giác mà tôi thường xuyên trải qua là rất nhiều thứ đang được xây dựng trong thế giới tiền mã hóa được đắp nên bởi những người chỉ lướt qua một bài viết trên Wikipedia về trái phiếu, về cách mà kho bạc nhà nước làm tiền hay về các công cụ nợ, rồi tự nhủ rằng:
“Tôi có thể làm tốt hơn họ”.
Đó cũng là cảm giác khi bạn dấn thân vào con đường lập trình, bạn tìm thấy mã nguồn được viết bởi một tổ chức hoặc một lập trình viên khác, bạn nhanh chóng nhận ra vấn đề, “Chỗ này không cần thiết”, “Chỗ này có thể được tối ưu hơn”, “Tại sao họ lại làm cái này? Thật vô nghĩa”, và sau đó là đến giai đoạn “Tôi có thể làm tốt hơn họ”. Vì thế, bạn dành suốt mấy ngày, mấy tuần, thậm chí hàng tháng trời tiếp theo để thiết kế lại bộ mã ấy, sau đó bạn đụng phải trở ngại đầu tiên và bạn phải điều chỉnh một chút, sau đó là trở ngại thứ hai, rồi thứ ba, v.v. và cuối cùng những đoạn code của bạn trông y chang như sản phẩm mà bạn đã chê bai, và đó là khoảnh khắc “àaaa, đúng rồi, thì ra là vậy” khi cuối cùng bạn hiểu tại sao bức tranh toàn cảnh lại như vậy.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với việc thiết kế chính sách tài khóa, những kiến thức về cung ứng tiền tệ, phát hành, nợ, trái phiếu, tiền gửi, giấy nợ, hàng hóa, chứng khoán, các công cụ phái sinh không thể tách biệt với nhau. Chúng tồn tại là có lý do. Nhưng tiền mã hóa lại là thế hệ mới, thế hệ “chúng ta có thể làm tốt hơn”.
Bản thân tôi từ lâu đã nhấn mạnh sự coi thường đối với văn hóa crypto, nhưng mặt khác lại thể hiện tình yêu đối với những tôn chỉ của chúng. Điều đó nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng tôn chỉ của tiền mã hóa là những khái niệm như quyền tự chủ (self-sovereign), quyền tự quản (self-custody), tự trao quyền (self-empowerment), trong khi văn hóa crypto lại là những thứ như sự giàu có (wealth), quyền lợi (entitlement), sự trục lợi (enrichment) và cái tôi (ego).
Chính cái văn hóa ấy đã bóp nghẹt tôn chỉ của crypto.
Một giáo sư đã từng nói với tôi “hợp đồng được tạo ra để chuẩn bị cho những lúc tồi tệ, chứ không phải ngược lại”. Quy định và pháp luật cũng vậy. Những rào cản đó sẽ được dùng trong những thời điểm tệ nhất, khi bạn cần nhất, chứ không phải trong những ngày đẹp trời, khi tất cả đều đang vui vẻ và hoan ca.
Hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy cần, hoặc thậm chí là sự tha thiết, đối với luật lệ và quy tắc nhưng không phải như một cơ chế để ngăn chặn, mà là một cơ chế để bảo vệ. Việc này giống như một đứa nhóc cố gắng thọc ngón tay vào ổ điện, bạn ngăn nó lại, trước khi nó có thể tìm hiểu lý do tại sao. Một ngày nào đó thằng bé sẽ hiểu, nhưng không phải hôm nay.
Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, khi vòng xoáy hiện tại này sẽ trở thành tử địa, tại nơi những địa chỉ vô danh ẩn nấp trong bóng tối, chúng ta sẽ thấy sự trỗi dậy của một nền kinh tế blockchain mới, thứ được thúc đẩy bởi lòng tin chứ không phải sự bất tín nhiệm, càng không phải vì lòng tham.
Mỉa mai làm sao khi đã đi hết một chặng đường trọn vẹn, nhưng tôi lại thấy mình phấn khích hơn bao giờ hết. Tôi sẽ không bước chân vào vùng tử địa đó nữa, nhưng, chắc chắn, tôi đang hào hứng biết bao về tương lai mới này.
Đây là bài viết về quan điểm của Andre Cronje – một trong những người có sức ảnh hưởng nhất đến thị trường tiền mã hóa trong thời gian vừa qua. Các bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây.
Biên tập và chuyển ngữ bởi Coincuatui
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68