FBI chính thức công bố báo cáo toàn diện về tình trạng lừa đảo liên quan đến tiền mã hoá trong năm 2023. Theo đó, người Mỹ đã mất tổng cộng 5,6 tỷ USD do các hoạt động lừa đảo tài chính có liên quan đến crypto, đánh dấu mức tăng 45% so với năm 2022.
FBI: Người Mỹ thiệt hại 5,6 tỷ USD từ các vụ lừa đảo crypto trong năm 2023
Theo báo cáo từ Trung tâm Khiếu nại Tội phạm Internet (IC3) thuộc FBI, năm 2023 đã ghi nhận hơn 69.000 khiếu nại liên quan đến các vụ lừa đảo tiền mã hoá.
Mặc dù các vụ lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa chỉ chiếm khoảng 10% tổng số khiếu nại tài chính mà FBI nhận được trong năm 2023, nhưng thiệt hại gây ra lại đóng góp gần 50% tổng thiệt hại tài chính trong năm. Cụ thể, tổng số tiền thất thoát do lừa đảo crypto đã lên đến 5,6 tỷ USD, ghi nhận mức tổn thất kỷ lục và tăng đến 45% so với con số của năm 2022.
Thiệt hại các vụ lừa đảo crypto theo từng năm
Các chuyên gia cảnh báo rằng số liệu này có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", vì còn rất nhiều nạn nhân chưa báo cáo vụ việc do thiếu kiến thức, tâm lý xấu hổ, hoặc không biết cách tiếp cận cơ quan chức năng. Đáng chú ý, các vụ lừa đảo tiền mã hoá thường tinh vi, nhắm đến đối tượng không chỉ là những nhà đầu tư mới tham gia mà còn cả các nhà đầu tư có kinh nghiệm với những chiêu trò phức tạp và hoạt động trên quy mô toàn cầu.
FBI nhận định nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng này là do những kẻ lừa đảo đã khéo léo đánh vào lòng tham của người dùng, lợi dụng sức hút từ những lời hứa về lợi nhuận "khủng" trong thị trường tiền mã hoá. Cùng với đó là tâm lý FOMO đã khiến nhiều nhà đầu tư tham lam trở thành "miếng mồi ngon" cho các chiêu trò lừa đảo.
Ngoài việc lợi dụng lòng tham và tâm lý FOMO, FBI cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác góp phần dẫn đến sự gia tăng các vụ lừa đảo tiền mã hoá trong năm 2023 bao gồm:
Trong số các vụ lừa đảo crypto, lừa đảo theo dạng dụ dỗ đầu tư là loại hình phổ biến và gây thiệt hại lớn nhất, chiếm đến 71% tổng số thiệt hại, với số tiền mất mát lên đến 3,96 tỷ USD. Một hình thức lừa đảo đầu tư phổ biến được FBI nhắc đến là "lừa đảo dựa trên sự tin tưởng" (confidence-enabled fraud) hay còn được biết đến với cái tên "pig butchering". Những kẻ lừa đảo sẽ tiếp cận nạn nhân qua các ứng dụng nhắn tin, xây dựng mối quan hệ lâu dài, tạo niềm tin trước khi thuyết phục họ đầu tư vào các dự án giả mạo.
Thống kê thất thoát từ các hình thức lừa đảo trong năm 2023
Khi các nạn nhân bị lừa đầu tư một khoản tiền lớn, họ sẽ không thể rút tiền hoặc lợi nhuận từ các tài khoản trên nền tảng giả mạo đó. Một số kẻ lừa đảo thậm chí còn cho phép nạn nhân rút những khoản tiền nhỏ ban đầu để củng cố niềm tin, trước khi "mất hút" cùng với toàn bộ số tiền đầu tư của nạn nhân. FBI cho biết:
"Rất nhiều nạn nhân của các vụ lừa đảo này đã phải gánh khoản nợ khổng lồ để bù đắp cho những khoản lỗ do đầu tư vào các dự án giả mạo."
Báo cáo cũng chỉ ra rằng nạn nhân từ 30-49 tuổi nộp đơn khiếu nại nhiều nhất nhưng những người trên 60 tuổi lại là nhóm đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cụ thể, những người trên 60 tuổi đã mất hơn 1,6 tỷ USD do các vụ lừa đảo tiền mã hoá trong năm 2023. Đây là nhóm đối tượng dễ bị lừa bởi những lời hứa hẹn về lợi nhuận lớn mà không nhận thức được rủi ro liên quan.
Thống kê độ tuổi bị lừa đảo crypto
Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo là mối liên hệ giữa nạn buôn người và các hoạt động lừa đảo crypto. FBI cảnh báo rằng nhiều người đã bị lừa sang làm việc tại nước ngoài với những lời hứa về công việc có mức lương cao. Tuy nhiên, khi đến nơi, họ bị ép buộc tham gia vào các hoạt động lừa đảo crypto và bị kiểm soát thông qua khoản nợ nần hoặc các biện pháp đe dọa.
Những kẻ lừa đảo thường đăng tin tuyển dụng giả mạo việc làm trên mạng xã hội, hứa hẹn mức lương hấp dẫn và điều kiện làm việc tốt nhưng thực tế là các nạn nhân sẽ bị ép buộc làm việc trong những khu tự trị, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.
FBI đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các vụ lừa đảo thông qua máy ATM crypto trong năm 2023. Theo báo cáo, hơn 5.500 đơn khiếu nại liên quan đến việc sử dụng các máy ATM này với tổng số thiệt hại lên tới 189 triệu USD. Đây là một hình thức lừa đảo ngày càng trở nên phổ biến do tính ẩn danh và khó truy vết của các giao dịch qua máy ATM crypto.
Thiệt hại từ hình thức lừa đảo crypto kiosks
Những kẻ lừa đảo thường hướng dẫn nạn nhân cách rút tiền từ tài khoản ngân hàng, sau đó chuyển tiền qua các máy ATM crypto để hoàn tất giao dịch. Do các giao dịch được thực hiện thông qua mã QR, quá trình gửi tiền trở nên đơn giản và thuận tiện nhưng đồng thời cũng giúp kẻ gian chuyển tiền một cách ẩn danh, khó có thể truy xuất nguồn gốc hoặc thu hồi tài sản. Phó giám đốc điều tra tội phạm FBI James Barnacle nhấn mạnh rằng:
"Khả năng thu hồi tiền từ các giao dịch qua máy ATM crypto là rất thấp vì tiền thường được chuyển ngay lập tức qua nhiều tài khoản, thậm chí ra nước ngoài. Trong số 3.000 nạn nhân được FBI liên hệ, 75% không biết mình đã bị lừa. Điều này cho thấy mức độ tinh vi của các vụ lừa đảo qua ATM crypto, khi kẻ gian dễ dàng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nạn nhân."
Không chỉ lừa đảo người dùng, các dự án crypto cũng phải chịu thiệt hại nặng nề trong năm 2023. Một thống kê khác cho thấy ngành crypto thiệt hại 1,95 tỷ USD trong năm 2023 vì hack, scam và tấn công bảo mật, 10 vụ hack/scam lớn nhất của năm 2023 để lại hậu quả là 1,1 tỷ USD mất cắp, chiếm hơn một nửa tổng thiệt hại, với những cái tên như Multichain, Euler Finance; MixinNetwork; Poloniex, CoinEx, HECO, BonqDAO, Vyper/Curve, Atomic Wallet và KyberSwap.
Trong năm 2024, các vụ lừa đảo tiền mã hoá đã trở nên ngày càng tinh vi, đặc biệt là thông qua việc hack các nền tảng mạng xã hội như Discord, Twitter, và Instagram để phục vụ cho các nạn pump-dump memecoin kể từ khi nền tảng phát hành memecoin pump.fun ra mắt. Một số vụ hack đáng chú ý bao gồm việc Discord của Polygon bị hack, gây thiệt hại 150.000 USD; tài khoản X (Twitter) của Kylian Mbappe bị chiếm quyền kiểm soát để quảng bá memecoin và vụ việc hacker "shill" memecoin trên Instagram của McDonald's, thất thoát hơn 700.000 USD.
Không dừng lại ở đó, các cuộc tấn công theo hình thức phishing cũng đang gia tăng mạnh mẽ có thể kể tới như vụ hack email của Ethereum Foundation và Coincuatui để phát tán các link phishing hay vụ tấn công website của Compound và Celer để điều hướng dẫn đến một trang lừa đảo có thể đánh cắp tiền của người dùng khi tương tác.
Trong ngành crypto, những mánh khoé lừa đảo đang ngày càng tinh vi hơn những người không cẩn thận sẽ bị sa lưới. Vì vậy, bản thân các nhà đầu tư nên trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để không thiệt hại trước khi bước chân vào thị trường.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68