Thị trường tiền mã hóa đã trải qua nhiều chu kỳ tăng trưởng với các xu hướng dẫn dắt cụ thể. Câu hỏi đặt ra là xu hướng tiếp theo sẽ là gì?
Đi tìm xu hướng dẫn dắt thị trường crypto mùa tiếp theo - Phần 4 (kết): RWA
Real World Asset không phải một đề tài mới nhưng chưa bao giờ cũ, nó là ý tưởng mang tính ứng dụng đột phá mà cộng đồng DeFi luôn khao khát sớm thành hiện thực. Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về chủ đề này để xem nó có đáng phải khao khát hay không.
Real World Asset (RWA) - The end game of the cryptocurrency market.
Real World Asset (RWA) định nghĩa là các loại tài sàn đời thực được đưa lên chuỗi khối blockchain thông qua hoạt động mã hóa chúng dưới dạng fungible token hoặc non-fungible token (NFT). Quá trình mã hóa tài sản đời thực thành token gọi là Tokenization.
Sau quá trình token hóa, các tài sản này được đưa vào lưu chuyển và sử dụng trong môi trường DeFi tương tự những tài sản on-chain khác.
Để phân loại RWA, chúng ta có thể chia thành 2 danh mục lớn là hữu hình và vô hình. Sau đó ở trong mỗi danh mục lại chia nhỏ tiếp theo các lĩnh vực của chúng. Dưới đây là một cách phân loại tham khảo:
Để chuyển một tài sản đời thực vào DeFi, nó cần trải qua 3 bước chính:
Các lớp trong quy trình token hoá tài sản thực
Các tài sản đưa lên on-chain có thể được cung cấp bởi các cá nhân hoặc đơn vị chuyên cung cấp tài sản. Ví dụ sàn giao dịch bất động sản, trung tâm vàng bạc, đá quý,... những bên như vậy được gọi là Asset Providing.
Tài sản sau đó được thẩm định giá trị và tiến hành lưu ký. Các dịch vụ lưu ký có trách nhiệm trông nom và bảo quản tài sản sao cho chúng được toàn vẹn về mặt vật lý và pháp lý. Toàn bộ hoạt động đời thực liên quan đến tài sản này cũng được hậu thuẫn bởi một thành phần thứ 4 là các đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý. Họ có trách nhiệm đảm bảo rằng mọi hoạt động đều đúng với quy định pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Khi xảy ra tranh chấp, các bên sẽ được thụ hưởng quyền lợi đúng theo quy định đã cam kết và pháp luật.
Đây là bước liên kết giá trị tài sản từ off-chain lên on-chain.
Tokenization: Tùy thuộc vào tính chất và mục đích sử dụng mà tài sản được token hóa thành fungible token hoặc non-fungible token (NFT). Bước này được đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ token hóa thực hiện với sự hỗ trợ của các nền tảng blockchain (Ethereum, Polkadot, Polygon, Onyx). Thông tin tài sản sau khi token hóa sẽ bất biến và minh mạch trên chuỗi.
Oracles: Thành phần không thể thiếu trong hệ sinh thái RWA. Oracles giúp các giao thức on-chain biết được những biến động ngoài đời thực. Ví dụ giá vàng, giá dầu hiện tại là bao nhiêu, giá của các mã cổ phiếu đã token hóa là bao nhiêu. Chainlink hiện tại vẫn đang là cái tên đi đầu trong lĩnh vực Oracles.
Bước cuối cùng sau khi token hóa tài sản đời thực là đưa chúng vào lưu thông trong môi trường DeFi. Tại đây thị trường tự do sẽ được phân nhánh thành vô vàn lĩnh vực phong phú. Hai mảng nổi bật nhất thời điểm hiện tại là:
Ngoài ra còn có Yield Farming là các nền tảng cho phép người dùng tìm kiếm lợi nhuận từ việc gửi tài sản của mình vào giao thức, hoặc RWA DAO, hội đồng quản trị chung các tài sản đời thực. Ví dụ họ cùng mua một căn nhà rồi cùng quyết định giá cho thuê sau đó chia lợi nhuận từ hoạt động cho thuê đó.
Có thể thấy rằng việc đưa tài sản từ đời thực vào on-chain khá rắc rối, nhất là đối với những loại tài sản có nhiều ràng buộc pháp lý và giá trị cao như Bất động sản. Nhưng vì sao các tổ chức lớn vẫn ủng hộ và luôn hỗ trợ nhiệt tình cho xu hướng này. Chúng ta sẽ đi tìm hiểu về lợi ích mà RWA hướng tới trong phần tiếp theo đây.
Nếu phóng tầm nhìn ra xa hơn, vượt khỏi thị trường tài chính phi tập trung, bạn có thể thấy tất cả những thứ blockchain đang cố gắng thực hiện là tính ứng dụng thực tiễn trong mọi mặt của cuộc sống thực tế.
Không chỉ gói gọn trong nền tài chính mà còn là các lĩnh vực khác của xã hội như y tế, giáo dục, vận tải, gaming… Real World Asset (RWA) là một mảnh ghép thúc đẩy quá trình blockchain hóa xã hội này.
Trong thị trường tài chính truyền thống bạn sẽ gặp khó khăn khi muốn mua bất động sản, chứng khoán hay trái phiếu chính phủ của một quốc gia không phải nơi sinh sống.
Nhưng sau khi đưa lên on-chain, chỉ vài cú click chuột tại nhà bạn đã sở hữu ngay một căn biệt thự tại Bahamas.
Dĩ nhiên là sở hữu tài sản on-chain, còn thủ tục nhận tài sản tại địa phương có lẽ chúng ta sẽ không bàn tới ở đây.
Thị trường giao dịch không biên giới tạo điều kiện cho dòng vốn luân chuyển dễ dàng trên quy mô toàn cầu thay vì bị giới hạn cục bộ trong từng khu vực địa lý như hiện nay, từ đó giúp mở rộng dòng tiền, tăng tính thanh khoản.
DeFi đã mở ra một thị trường tài chính mới vận hành song song với tài chính truyền thống. Người dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn thị trường nào có lợi hơn cho họ, từ đó sinh ra tính cạnh tranh giữa các thực thể trong hai thị trường. Cạnh tranh tạo ra sự phát triển và người dùng sẽ được hưởng lợi.
Để hiểu rõ hơn hãy đến với ví dụ sau: Một doanh nghiệp có nhu cầu cầu huy động vốn cho hoạt động kinh doanh sắp tới. Họ muốn thế chấp toàn bộ nhà xưởng và kho bãi của mình để vay vốn. Lãi suất cho vay của ngân hàng là 12%/năm, còn của giao thức RWA DeFi là 8%/năm. Người dùng hoàn toàn có thể lựa chọn token hóa tài sản bảo đảm và thế chấp chúng on-chain để hưởng lãi suất thấp.
Cũng phải nói thêm rằng đây là mô phỏng trong điều kiện lý tưởng, khi DeFi hoạt động an toàn và ma sát trong toàn bộ quá trình (từ token hóa tới thế chấp, rút tiền ra ngân hàng từ DeFi) đã được giảm thiểu đáng kể.
Một trong những ưu điểm DeFi mang lại là sự “không phụ thuộc vào bên thứ 3”. Các giao dịch trên blockchain được thực hiện giữa người với người thông qua smart contract. Chính vì thế nó giúp giảm thiểu nhiều quy trình phức tạp như tài chính truyền thống.
Ví dụ, ở truyền thống khi cần thế chấp tài sản để vay ngân hàng bạn cần hoàn thiện rất nhiều thủ tục pháp lý:
Với RWA bạn chỉ cần sở hữu tài sản trong ví và mang tới các giao thức cho vay để phê duyệt là xong. Ở một mặt nào đó, có thể sự giản lược quy trình này sẽ giúp người dùng tiết kiệm chi phí trong toàn bộ quá trình.
Ở chiều ngược lại, thủ tục pháp lý sinh ra là để bảo vệ các bên tham gia, RWA tối giản hóa toàn bộ các thủ tục giấy tờ đồng nghĩa với việc người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những rủi ro đó. Niềm tin đặt vào smart contract và sự tự trông nom tài sản của người dùng.
Tổng giá trị tài sản toàn cầu. Nguồn: Binance Research
Giá trị thị trường tài sản toàn cầu ước tính đạt 900 nghìn tỷ đô la trong khi đó toàn thị trường cryptocurrency của chúng ta chỉ khoản 1 nghìn tỷ đô ở thời điểm hiện tại. Một khi cánh cửa RWA được khai thông, dòng tiền chảy vào DeFi sẽ rất lớn từ đó gia tăng vốn hóa và thanh khoản cho toàn bộ thị trường.
Nhưng mọi chuyện sẽ chỉ dừng lại ở việc “đếm cua trong lỗ” nếu RWA không chứng minh được những ưu điểm vượt trội của nó.
Một ví dụ rất hay về mô hình kinh tế mới mà RWA tạo ra là phân mảnh bất động sản. Ngoài đời thực để đồng sở hữu một ngôi nhà giữa những người xa lạ là khá khó khăn, việc này thường chỉ xảy ra với một nhóm người quen góp vốn, sau đó để một người đại diện đứng tên.
Lên tới on-chain nhờ tính chất Trustless của nó mà những người xa lạ không cần phải tin tưởng ai, họ chỉ cần tin tưởng vào smart contract. Các giao thức phân mảnh (Fractionalization Protocol) phân chia ngôi nhà thành nhiều phần khác nhau và giao bán chúng cho những người cần mua. Một mặt khác giao thức tiến hành cho thuê căn nhà đó ở đời thực và trả lợi nhuận thu được cho người mua các phân mảnh. Các bạn có thể tìm hiểu thêm trong dự án RealT.
Các mô hình Yield Farming cũng sẽ sớm nở rộ trong thị trường này. Bạn sở hữu RWA nhưng chưa tìm được cách sinh lợi từ những tài sản đó, Yield Farming Protocol sẽ giúp bạn làm việc đó.
Bảo hiểm cũng sẽ là một mảnh ghép tiềm năng. Để phòng tránh các rủi ro pháp lý và tranh chấp, người dùng có thể mua bảo hiểm cho các tài sản on-chain của mình.
Ngoài ra, sẽ còn rất nhiều mô hình kinh tế mới xuất hiện trong tương lai mà chúng ta cần chờ đợi để tiếp tục khám phá.
Rõ ràng đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với Real World Asset. Khi mà ngay cả cryptocurrency vẫn đang còn gây ra nhiều tranh cãi đối với các nhà lập pháp toàn cầu thì việc đưa tài sản ngoài đời thực vào DeFi là một công việc hết sức tương lai.
Các hoạt động token hóa tài sản thực mà chúng ta đang thấy đều chỉ là thỏa thuận giữa các bên tham gia chứ chưa hề có sự chứng giám và bảo hộ từ pháp luật. Có lẽ, bước đầu tiên để RWA đi vào thực tế là hành lang pháp lý được thông qua. Người dùng sẽ có nhiều niềm tin hơn để đem khối tài sản giá trị của mình lên on-chain.
Đặc thù đối với RWA là ngoài việc đặt niềm tin vào Smart Contract, chúng ta bắt buộc phải thêm niềm tin vào một số bên thứ ba ba gồm:
Nếu một trong các dịch vụ này hoạt động kém chất lượng sẽ ảnh hưởng tới giá trị tài sản của người sở hữu. Niềm tin càng bị đặt vào nhiều nơi, niềm tin càng trở nên mong manh và có nguy cơ sụp đổ.
Ví dụ cho vấn đề xác thực thông tin là câu chuyện depeg của USDR (Real USD) mới xảy ra gần đây. USDR là stablecoin được bảo chứng bằng bất động sản đời thực phát hành bởi TangibleDAO. Giá trị của USDR đã có lúc xuống tới 0,5 USD so với giá trị đáng lẽ phải stable là 1 USD.
USDR được bảo đảm phần lớn bởi bất động sản và đồng DAI. Khi toàn bộ lượng DAI vốn là tài sản bảo đảm có tính thanh khoản cao nhất bị rút ra thì pool chỉ còn lại các tài sản kém thanh khoản và kém minh bạch thông tin. Nó khiến USDR đã bị depeg xuống 0,5 ngay sau đó.
Tài sản bảo chứng cho USDR trước khi bị depeg. Nguồn Tangible
Có thể thấy rằng đối với mảng RWA này các thành phần tham gia giám định off-chain hết sức quan trọng. Nó cần được thực hiện bởi những đơn vị đủ uy tín, minh bạch và được bảo hộ bởi pháp luật. Từ đó mới tạo điều kiện thuận lợi cho niềm tin giao dịch phía trên on-chain.
Đây là một trong những rủi ro cố hữu của DeFi, ngoài đời thực chúng ta đặt niềm tin vào tổ chức thứ ba đứng ra chịu trách nhiệm cho các giao dịch và đảm bảo an toàn tài sản, thì ở DeFi chúng ta giao trách nhiệm này cho Smart Contract. Nếu có lỗ hổng người dùng sẽ bị mất tài sản mà không biết phải kiện cáo ai.
Ngoài rủi ro smart contract thì một rủi ro khác dẫn đến mất tài sản nằm ở chính người dùng. Khi sở hữu khối lượng tài sản lớn trong ví người dùng cần biết tự bảo vệ bản thân trước các hình thức tấn công.
Từ những ưu điểm và thách thức của RWA đã phân tích phía trên, chúng ta thấy rằng còn rất nhiều việc cần làm để RWA đi đến thực tiễn phổ cập, đặc biệt là ở khâu pháp lý.
Nhưng không phải vì vậy mà mảng này không có khả năng bùng nổ trong tương lai gần. Chúng ta vẫn thấy được sự ủng hộ từ nhiều thực thể lớn trong cả thị trường crypto lẫn truyền thống.
Siêu doanh nghiệp Blackrock (quản lý khối tài sản lên tới 9,4 nghìn tỷ USD) là một trong những người liên tục “shill” Real World Asset. CEO của Blackrock đã từng phát biểu “token hóa sẽ là thế hệ tiếp theo của thị trường”. Thậm chí gần đây, Blackrock đã token hóa chứng khoán của mình thông qua ngân hàng JPMorgan và Barclays.
Cũng phải nói thêm rằng các tổ chức tài chính phát biểu như vậy nhưng đằng sau họ đang làm những gì thì chúng ta không biết, mỗi người cần có định kiến riêng cho mình. Nhưng dù sao những thông tin này cũng là một tín hiệu tích cực cho RWA.
Trở về on-chain theo dữ liệu từ Defillama, tổng giá trị tài sản khóa trong các giao thức RWA hiện tại đã đạt 2,2 tỷ USD tăng 18 lần so với đầu năm 2023. Điều này cho thấy rằng mảnh đất này đang thu hút được dòng tiền rất tốt từ các nhà đầu tư.
TVL trong các giao thức RWA theo Defillama vào lúc 11:40 AM ngày 19/10/2023
Sẽ rất khó để ngày một, ngày hai RWA đi vào thực tiễn, bởi vì ngoài hành lang pháp lý và bảo mật lớp hạ tầng blockchain vẫn còn đó công việc giáo dục người dùng.
Ebay, Amazon đã mất nhiều năm trời để khiến người dùng thay đổi hành vi mua sắm từ cửa hàng truyền thống thành online, thì với RWA có lẽ cũng cần nhiều năm để người dùng chuyển từ mua sắm online thành mua sắm on-chain.
Tuy vậy, đối với những nhà đầu tư nhỏ lẻ như chúng ta, thứ chờ đợi không phải là giải pháp đi vào thực tiễn mà là một money game dựa trên những điều này để tìm kiếm lợi nhuận. Các giải pháp mới luôn có những đợt bùng nổ để kiểm chứng giá trị trước khi đi vào phát triển ổn định, nếu tính thực tiễn của nó được chứng minh. Vậy nên có thể chúng ta sẽ không cần chờ đợi lâu như Amazon hay Ebay để thấy một con sóng RWA.
Phần này sẽ điểm danh các dự án nổi bật ở lớp thứ 2 và thứ 3 của hệ sinh thái RWA. Riêng lớp đầu tiên liên quan chủ yếu đến thị trường truyền thống nên chúng ta sẽ bỏ qua.
RWA Landscape
Blockchain: Lớp hạ tầng Blockchain sử dụng cho RWA cần có độ bảo mật cao nên Ethereum thường là điểm đến quen thuộc, ngoài ra chúng ta còn có Polygon, Polkadot và các blockchain thiết kế riêng cho RWA: Onyx, Intain, Provenance, Realio, Polymesh, Mantra.
Tokenization: Các giao thức được xây dựng phía trên lớp Blockchain phục vụ việc token hoá tài sản: Centrifuge, Securitize, Polymath, Tangible, Toucan Protocol, Cache.gold, FlowCarbon, Backed Finance.
Oracles: Giao thức đưa dữ liệu đời thực vào on-chain. Chainlink luôn là cái tên dẫn đầu trong mảng này suốt thời gian qua.
Lending: Các nền tảng vay và cho vay dựa trên tài sản bảo đảm là RWA. Các dự án nổi bật bao gồm: MakerDAO, Aave, Maple, Goldfinch, Tinlake, TrueFi, Credix, Clearpool.
Trading: Các giao thức cho phép người dùng giao dịch RWA: Defactor, Polytrade, CitaDAO, KlimaDAO, Regen Marketplace.
Yield Farming: Giúp người dùng tối đa hoá lợi nhuận dựa trên tài sản RWA của họ: Ondo Finance, Pendle, Fortunafi.
RWA DAO: Phân mảnh, quản lý RWA thông qua Tổ chức tự trị phi tập trung (DAO): RealT, Cougar DAO
Ở lớp DeFi cũng thường được phân loại theo chiều dọc dựa trên sản phẩm RWA như đã đề cập trong phần mở đầu.
Có thể thấy rằng, hai mảng đang có sự cạnh tranh nhiều nhất là Tokenization và Lending. Điều này cũng dễ hiểu bởi đó là những cánh cửa đầu tiên của tài sản khi đi vào DeFi. Token hoá tài sản thực, chuyển vào các giao thức DeFi để thế chấp mint ra stablecoin, tiếp đó sử dụng stablecoin trong các giao thức DeFi. Các mảnh ghép DeFi khác sẽ dần nở rộ sau khi đi qua những cánh cửa này.
Token hoá tài sản đời thực đưa vào DeFi không hẳn là một ý tưởng mới. Nó xuất hiện từ thuở DeFi khai sơn lập địa. Nhưng cho đến hiện tại chúng ta mới thấy sự thành công của fiat. Những rào cản về mặt pháp lý và niềm tin vẫn khiến RWA chưa thể bùng nổ mạnh mẽ.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, hạ tầng blockchain dần đáp ứng được tính bảo mật và an toàn cho người sử dụng, song song với đó những sự ủng hộ đến từ các thực thể lớn trong thị trường tài chính là tín hiệu tốt thúc đẩy sự phát triển của mảng này. Có lẽ RWAs cần một ngọn gió đông là hành lang pháp lý để bứt phá vượt bậc.
Cuối cùng chưa biết khi nào RWA mới đi vào thực tiễn, nhưng một khi “RWA mass-adoption” nó sẽ kéo hai thị trường TradFi và DeFi nhập lại làm một khiến quy mô mở rộng đến mức chưa từng có. Mình gọi đó là game cuối của DeFi vì sau game cuối đó không còn sự phân biệt giữa DeFi và TradFi nữa.
“Real World Asset - The end game of the cryptocurrency market."
Vậy là chúng ta đã cùng nhau đi qua cả 4 phần trong chuỗi bài viết Đi tìm xu hướng dẫn dắt thị trường crypto mùa tiếp theo: LSDfi, Layer 2, SocialFi, Real World Asset đều là những mảnh ghép có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. LSDfi và Layer 2 thì đã khá rõ ràng ở tính ứng dụng và có dòng tiền ổn định. SocialFi và RWA là hai mảnh ghép không mới nhưng chưa bao giờ bùng nổ. Chúng cần có chất xúc tác riêng để kích hoạt, với SocialFi là sự mở rộng mạng lưới, còn RWA là hành lang pháp lý.
Thị trường luôn luôn vận động, đặc biệt với cryptocurrency tốc độ còn nhanh gấp nhiều lần các thị trường khác. Vậy nên, những nhận định trong chuỗi bài viết này có thể phù hợp ở thời điểm này nhưng chưa chắc đúng trong tương lai. Vì thế, theo sát thị trường là điều bắt buộc đối với mỗi nhà đầu tư.
Hy vọng thông qua chuỗi bài viết này các bạn có thể nắm hết toàn bộ kiến thức nền tảng của mỗi mảng để từ đó phát triển sự nghiên cứu riêng cho bản thân và tìm ra hidden gem riêng cho mình.
Cảm ơn và trân trọng các bạn độc giả theo dõi chuỗi bài viết này!
Kudō
Nguồn: Coin68