Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa có động thái giải thích quy định đánh thuế lên các “nhà môi giới tiền mã hóa” gây tranh cãi trong thời gian qua.
Như đã được Coincuatui đưa tin, vào tháng 11/2021, Tổng thống Biden đã đặt bút ký thông qua Dự luật Đầu tư Hạ tầng và Việc làm trị giá 1.000 tỷ USD, trong đó có điều khoản đánh thuế tiền mã hóa gây tranh cãi.
Dự luật Đầu tư Hạ tầng và Việc làm (trước đây còn được biết đến với tên gọi Dự luật Cơ sở Hạ tầng) là một nỗ lực quan trọng của chính quyền Biden nhằm tạo ra gói kích thích trị giá 1.000 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế Mỹ hậu đại dịch COVID-19. Để tạo nguồn doanh thu ngân sách mới, dự luật đã kèm theo điều khoản đánh thuế lên lĩnh vực tiền mã hóa.
Cụ thể, luật yêu cầu các “nhà môi giới tiền mã hóa” xử lý giao dịch crypto có giá trị từ 10.000 USD trở lên phải báo cáo hoạt động và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Sở thuế vụ Hoa Kỳ (IRS). Tuy nhiên, luật lại không quy định rõ định nghĩa thế nào là “nhà môi giới crypto”, thay vào đó đánh đồng “bất kỳ đơn vị nào cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động chuyển giao tiền mã hóa đều là nhà môi giới”.
Sự “mơ hồ” trong luật vô tình làm dấy lo ngại đối với phần lớn cộng đồng tiền mã hóa. Vì nếu dựa theo cách định nghĩa trên, sẽ bao gồm tất cả các bên như thợ đào, nhà sản xuất, người vận hành node, người tham gia staking, người bán máy đào và nhà phát triển phần mềm (ví dụ như ví crypto) cũng phải chịu trách nhiệm báo cáo thông tin thuế của người dùng tiền mã hóa. Đây thật sự là vấn đề bất khả thi về mặt triển khai, vì bởi lẽ trong không gian tiền mã hóa, mọi giao dịch đều ẩn danh và số lượng giao dịch hằng ngày là rất lớn.
Không chỉ được bàn luận bởi cộng đồng, ngay trong nội bộ chính phủ Hoa Kỳ đã tranh cãi nảy lửa về Dự luật này tại Thượng Viện, song không đạt được thỏa thuận sửa đổi luật mà vẫn thông qua. Và cuối cùng thì mọi nỗ lực đề xuất sửa đổi tại “nút thắt” cuối cùng là Hạ viện cũng không thành công. Hạ viện đã thông qua phiên bản ban đầu của Dự luật và trình lên để ông Biden hợp thức hóa nó.
Mặc dù vậy, cơ hội cho ngành tiền mã hóa tại Mỹ vẫn còn, khi điều khoản đánh thuế sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, tạo điều kiện để các bên có thể vận động sửa đổi. Trong thời gian đó, trọng trách định nghĩa “nhà môi giới tiền mã hóa” sẽ được giao cho Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định.
Theo Bloomberg, trong thư gửi đến nhóm 6 Thượng nghị sĩ quan tâm đến điều khoản đánh thuế nêu trên, gồm Cynthia Lummis, Mark R. Warner, Rob Portman, Kyrsten Sinema, Pat Toomey và Mike Crapo, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã trấn an rằng họ sẽ không xem các thợ đào, người tham gia staking để xác minh giao dịch và các nhà cung cấp dịch vụ ví tiền là các nhà môi giới để bị đánh thuế.
Cụ thể, thư viết:
“Quy định hiện tại chỉ áp đặt nghĩa vụ báo cáo thuế của nhà môi giới lên những thành phần tham gia thị trường mà có quyền tiếp cận đến thông tin giao dịch mua bán của người nộp thuế. Chúng đồng nhất với quan điểm của Bộ Tài chính rằng những đơn vị phụ trợ không có quyền tiếp cận đến những thông tin giao dịch mang tính hữu dụng cho IRS thì sẽ không phải chịu yêu cầu báo cáo của nhà mối giới.
Ví dụ, người mà chỉ tham gia xác minh giao dịch thông qua cơ chế đồng thuận của chuỗi khối thì có thể sẽ không biết giao dịch đó có vì mục đích mua bán thứ gì đó hay không. Tương tự, người mà mua bán các thiết bị phần cứng để lưu giữ private key hay người tham gia viết phần mềm thì cũng không được xem là có hoạt động môi giới tiền mã hóa.”
Tuyên bố trên của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, dù chưa phải văn bản quy phạm luật chính thức, nhưng đã phần nào cho thấy quan điểm nhận thức rõ được vấn đề liên quan đến quy định về “nhà môi giới tiền mã hóa”. Nó sẽ giúp các công ty tiền mã hóa ở Mỹ không trực tiếp xử lý giao dịch có thể “thở phào” vì đã loại bỏ được một rào cản pháp lý có tính đe dọa đến triển vọng phát triển của lĩnh vực crypto tại xứ cờ hoa.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68