FDIC đã có hành động thực thi pháp lý đầu tiên trong nỗ lực giám sát chặt chẽ các hoạt động tiền mã hóa nhằm đảm bảo sự ổn định và toàn vẹn của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ.
Binance US: Tiền người dùng không còn được bảo hiểm bởi FDIC
Binance.US, chi nhánh tại Hoa Kỳ của Binance, thông báo tiền gửi của người dùng ở trên sàn giao dịch không còn được bảo hiểm bởi công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) - cơ quan đảm bảo tiền gửi và giám sát các tổ chức tài chính ở Mỹ.
Sự thay đổi trong chính sách bảo hiểm của Binance.US được tiết lộ bởi một người dùng nền tảng thông qua email họ nhận vào ngày 16/10/2023. Email cho biết sàn giao dịch đã "cập nhật chính sách bảo hiểm tiền gửi" trong các điều khoản dịch vụ của công ty theo sự hướng dẫn của FDIC.
Email của Binance.US gửi cho người dùng thông báo đã "cập nhật chính sách bảo hiểm tiền gửi" theo sự hướng dẫn của FDIC
Các điều khoản dịch vụ đã cập nhật của sàn giao dịch cũng thể hiện: "Tài khoản và tài sản kỹ thuật số của bạn không đủ điều kiện để được bảo hiểm bởi FDIC".
Đồng thời, Binance.US cũng cho biết người dùng cũng không thể rút tiền pháp định đô la Mỹ (USD) ra khỏi sàn được nữa. Họ cần thao tác chuyển đổi USD sang stablecoin hoặc các tài sản tiền điện tử khác trước khi thực hiện lệnh rút tiền.
Theo thông báo (hiện đã bị xoá) vào năm 2019 của sàn giao dịch chi nhánh Hoa Kỳ, tiền gửi của người dùng trên Binance.US được bảo hiểm lên đến 250.000 USD bởi FDIC.
"Tất cả các khoản tiền gửi USD được giữ trong các tài khoản lưu ký tập trung tại nhiều ngân hàng được bảo hiểm bởi FDIC. Các tài khoản lưu ký tập trung này được cấp quyền truy cập vào bảo hiểm FDIC, với hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên đến 250.000 đô la Mỹ."
Thông báo về khoản tiền gửi của người dùng trên Binance.US được bảo hiểm bởi FDIC vào tháng 10/2019 (hiện tại bài đăng đã bị xoá)
FDIC được thành lập năm 1933 qua Đạo luật Ngân hàng (1933 Banking Act) để phục hồi uy tín cho nền tài chính Hoa Kỳ sau cuộc khủng hoảng kinh tế. Ngoài trách nhiệm kể trên, công ty FDIC cũng duyệt xét và giám sát những cơ sở tài chính nhằm bảo đảm chức năng hoạt động, bảo vệ người tiêu dùng, và điều hành những cơ sở tài chính đã phá sản.
Đây có thể xem là hành động pháp lý đầu tiên của Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang ngay sau cảnh báo các "hoạt động crypto gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ" được đưa ra vào tháng 08/2023.
FDIC cũng chính là cơ quan chịu trách nhiệm bảo hiểm cho Ngân hàng thân thiện với crypto đã phá sản Silvergate và Signature Bank, đồng thời là cơ quan ra quyết định đóng cửa và tịch thu tài sản của Ngân hàng Silicon Valley Bank.
FDIC, cùng với các cơ quan ngân hàng liên bang khác, cho biết họ sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các hoạt động tiền mã hóa của các tổ chức ngân hàng, đồng thời cam kết thảo luận và ban hành thêm hướng dẫn để đảm bảo sự ổn định và toàn vẹn của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68