Voyager Digital đã tiết lộ lý do vì sao công ty lại phải vay 485 triệu USD tiền mã hóa từ quỹ đầu tư Alameda Research vào tuần trước.
Cập nhật ngày 27/06:
Đến hạn chót ngày 27/06, Voyager Digital cho biết đã gửi thông báo tuyên bố Three Arrows Capital vỡ nợ khi quỹ đầu tư này vẫn không trả các khoản vay gồm 15.250 BTC và 350 triệu USDC. Voyager tuyên bố sẽ theo đuổi các hành động pháp lý cần thiết để khôi phục tiền của mình.
Cập nhật ngày 23/06:
Đến tối 23/06, Voyager Digital đã cập nhật lại chính sách của nền tảng, giảm hạn mức rút tiền mỗi ngày từ 25.000 USD về 10.000 USD, đồng thời áp đặt giới hạn chỉ được thực hiện 20 giao dịch rút tiền trong 24h.
Bài viết gốc:
Tối 22/06, Voyager Digital, ứng dụng môi giới đầu tư tiền mã hóa nổi tiếng ở phương Tây, đã công bố những thông tin mới nhất về tình hình hoạt động sau những biến động gần đây của thị trường.
Theo đó, công ty xác nhận đã tiến hành vay 200 triệu USD tiền mặt và USDC, cùng với 15.000 Bitcoin (BTC), với tổng giá trị khoảng 485 triệu USD tại thời điểm vay. Bên cạnh đó, tính đến ngày 20/06, công ty đang nắm giữ 152 triệu USD tiền mặt và tài sản crypto, cũng như 20 triệu USD được giữ lại làm quỹ dự trữ dưới dạng USDC.
Đổi lại, Alameda Research nắm giữ một cách gián tiếp hơn 22,6 triệu cổ phiếu của Voyager Digital, chiếm khoảng 11,56% cổ phần công ty.
Về lý do phải tiến hành khoản vay, Voyager Digital thừa nhận đang là một trong những chủ nợ lớn của Three Arrows Capital, quỹ đầu tư crypto gặp khó khăn thanh khoản vì thị trường biến động bất lợi trong thời gian qua. Voyager tiết lộ họ đang cho Three Arrows Capital vay 15.250 BTC (trị giá khoảng 312 triệu USD ở thời điểm cập nhật) và 350 triệu USDC.
Công ty đã 2 lần yêu cầu quỹ phải trả nợ trước 2 hạn chót vào các ngày 24/06 và 27/06. Three Arrows Capital sẽ bị tuyên bố vỡ nợ nếu không hoàn trả tiền vào những ngày trên. Voyager tuyên bố rõ ý định sẽ theo đuổi đấu tranh pháp lý với Three Arrows Capital để khôi phục tiền, song chưa thể ước tính con số cụ thể.
Như vậy, Voyager Digital là công ty tiền mã hóa đầu tiên công bố thiệt hại cụ thể từ vụ việc quỹ đầu tư Three Arrows Capital bị đồn là “vỡ nợ” và mất khả năng thanh khoản kể từ khi thị trường tiền mã hóa lao dốc kể từ ngày 10/06, đưa giá BTC sập về ngưỡng 17.622 USD vào ngày 18/06. Nhiều tổ chức sau đó đã tuyên bố thanh lý tài sản của Three Arrows Capital. Một số đơn vị khác như Finblox, Babel Finance, Hoo và DeFiance Capital được cho là cũng bị ảnh hưởng.
Giá cổ phiếu của Voyager đã giảm đến gần 40% trong phiên giao dịch ngày 22/06 (giờ Mỹ) sau khi thông tin họ có dính dáng đến Three Arrows Capital được tiết lộ.
Trong tuyên bố chính thức đưa ra sau nhiều ngày im lặng và bị cáo buộc lẩn tránh chủ nợ, đại diện của Three Arrows Capital thông báo đang nghiên cứu phương án bán tài sản hoặc được mua lại để trả nợ, cũng như cam kết sẽ tìm hướng đi tốt nhất cho các bên liên quan.
Vào tối 21/06, đơn vị lending BlockFi cũng thông báo vay được 250 triệu USDC từ sàn giao dịch FTX để đảm bảo thanh khoản, khả năng cao cũng là vì chịu ảnh hưởng từ Three Arrows Capital khi quỹ cũng là con nợ của dự án này.
Cả FTX và Alameda Research đều có quan hệ với nhau thông qua tỷ phú Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập của hai tổ chức. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông Bankman-Fried đã “ẩn ý” về việc đứng ra giải cứu để tránh hiệu ứng sụp đổ dây chuyền lan rộng khắp thị trường.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68