Voyager Digital đang tạm thời đình chỉ các hoạt động giao dịch, gửi và rút tiền cũng như phần thưởng khách hàng thân thiết kể từ 09:00 PM ngày 01/07 (giờ Việt Nam).
Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi Voyager đưa ra tuyên bố Three Arrows Capital đang “quỵt nợ” hơn 662 triệu USD, bao gồm các khoản vay gồm 15.250 BTC và 350 triệu USDC. Voyager là một trong số các công ty bị ảnh hưởng đáng kể bởi Three Arrows Capital (3AC). Đơn vị này sau đó đã tuyên bố 3AC “vỡ nợ” vào ngày 27/06 và sẽ theo đuổi các nỗ lực pháp lý để đòi lại tài sản.
Theo một số nguồn tin chưa được kiểm chứng, Voyager đã cho Three Arrows Capital vay tiền mà không hề yêu cầu tài sản bảo chứng, khiến họ có nguy cơ mất trắng hơn 662 triệu USD tài sản nếu quỹ đầu tư phá sản và không thể trả nợ. Công ty đã phải “vay nóng” 485 triệu USD từ quỹ Alameda Research của CEO sàn FTX Sam Bankman-Fried để đáp ứng thanh khoản trước mắt.
Trong diễn biến mới nhất, Voyager Digital vào sáng 02/07 đã thông báo ngừng giao dịch, chặn nạp/rút cũng như trả thưởng cho người dùng.
Theo thông cáo báo chí được chia sẻ, Voyager đã cung cấp số liệu bảng cân đối kế toán mới nhất. Tính đến ngày 30/06/2022, công ty đang nắm giữ 685,37 triệu USD tài sản crypto và cho vay 1.124 tỷ USD, có cả phần cho 3AC vay. Phần tiền mặt giữ cho khách hàng đang là 355,72 triệu USD và 168 triệu USD tài sản thế chấp crypto.
Về việc tạm dừng các hoạt động rút tiền và giao dịch, Giám đốc điều hành Stephen Ehrlich cho biết trong một tuyên bố:
“Quyết định này giúp chúng tôi có thêm thời gian để cân nhắc các lựa chọn thay thế chiến lược với các bên trong khi vẫn giữ được giá trị của nền tảng Voyager mà chúng tôi đã cùng nhau xây dựng. Chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin vào thời điểm thích hợp”.
Công ty cũng nói rằng họ đã thuê Moelis & Company và The Consello Group làm cố vấn tài chính, Kirkland &Ellis LLP làm cố vấn pháp lý để giúp họ đưa ra quyết định tối ưu trong hoàn cảnh hiện tại.
Giá cổ phiếu của Voyager đã lao dốc đến gần 50% kể từ khi thông tin họ có dính dáng đến Three Arrows Capital được tiết lộ.
Kể từ sau thông báo thừa nhận là chủ nợ lớn của 3AC, quỹ đầu tư kỳ cựu đang đối mặt với vấn đề thanh khoản trong thời gian qua, Voyager Digital đã lần lượt cập nhật lại chính sách nền tảng, giảm hạn mức cũng như số lần thực hiện giao dịch rút tiền. Ứng dụng môi giới đầu tư tiền mã hóa nổi tiếng ở phương Tây đã tuyên bố sẽ theo đuổi pháp lý đến cùng để khôi phục lại tiền của mình với 3AC.
Tuy nhiên theo thông tin vừa được công bố, Three Arrows Capital đã chính thức đệ đơn phá sản lên một tòa án tại New York sau hơn nửa tháng chật vật xoay xở. Với việc thừa nhận phá sản, 3AC mong muốn được luật Mỹ bảo hộ phá sản.
Trong bối cảnh mất khả năng thanh toán, vỡ nợ, bị thanh lý ồ ạt… đang bao trùm, ngoài Three Arrows Capital còn có một danh sách dài các đơn vị bị liên đới khác bao gồm:
– Nền tảng lending Celsius: bị ảnh hưởng từ việc stETH mất giá, đã chặn rút tiền;
– Nền tảng đầu tư Finblox: chịu ảnh hưởng từ 3AC, áp đặt hạn mức rút tiền;
– Nền tảng lending Babel Finance: chịu ảnh hưởng từ 3AC, chặn rút tiền;
– Quỹ đầu tư DeFiance Capital: bị đồn là chịu ảnh hưởng từ 3AC;
– Quỹ đầu tư Genesis Trading: bị đồn là thiệt hại “hàng trăm triệu USD” vì liên đới từ 3AC;
– Công ty Blockchain.com và sàn giao dịch Deribit: chủ nợ của 3AC, đã gửi đơn thanh lý tài sản của 3AC lên tòa án Quần đảo Virgin thuộc Anh;
– Nền tảng lending BlockFi: thanh lý tài sản thế chấp của 3AC, tuyên bố không bị ảnh hưởng nhưng lại vay 250 triệu USDC từ FTX;
– Ứng dụng đầu tư Voyager Digital: chịu ảnh hưởng từ 3AC, tuyên bố 3AC đang nợ mình hơn 662 triệu USD và phải vay 485 triệu USD từ Alameda để đảm bảo thanh khoản, đã áp đặt hạn mức rút tiền cho người dùng.
– Nền tảng blockchain Kyber Network: chịu ảnh hưởng từ 3AC, tuyên bố số tiền thiệt hại không lớn.
– Sàn giao dịch Hoo: chặn rút tiền.
– Sàn giao dịch AEX: áp đặt hạn mức rút tiền.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68