Sự thật là Thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren chưa hề thay đổi quan điểm về crypto mà chỉ là trò đùa được dàn dựng khéo léo bởi cộng đồng ủng hộ Bitcoin.
Thực hư chuyện tòa nhà Quốc hội Mỹ treo cờ vinh danh cha đẻ Bitcoin Satoshi Nakamoto
Tối ngày 15/02/2024, mạng xã hội X (Twitter cũ) lan truyền thông tin từ Bitcoin Magazine về việc Thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren, người nổi tiếng chỉ trích tiền mã hóa gay gắt, đã ký giấy chứng nhận và tôn vinh Satoshi Nakamoto nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày Bitcoin ra đời bằng cách treo một lá cờ kỷ niệm trên Điện Capitol của Hoa Kỳ với nội dung " Người Mỹ mãi mãi biết ơn ".
Ngay sau tin tức, cộng đồng tiền mã hoá đã ca ngợi sự chuyển hướng đột ngột trong quan điểm của "kẻ thù không đội trời chung với crypto" là dấu hiệu cho những thay đổi lớn trong tương lai của chính phủ Hoa Kỳ đối với Bitcoin và các loại tiền điện tử khác.
Elizabeth Warren là một nhà phê bình crypto mạnh mẽ, từng phát động chiến dịch bài trừ crypto, như một phần trong kế hoạch giữ ghế thượng viện năm nay. Bà Elizabeth thậm chí còn thẳng thắn kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen chống tiền mã hóa, và thúc đẩy Bộ Năng lượng và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) gây “sức ép” lên cánh thợ đào Bitcoin.
Vị chính trị gia thường xuyên cảnh báo về những rủi ro của ngành crypto, khuyến khích SEC sử dụng quyền hạn của mình để giải quyết. Trước làn sóng phá sản ồ ạt năm 2022, nhà lập pháp này lại tiếp tục kêu gọi Ủy ban Chứng khoán Mỹ mạnh tay hơn. Với hồ sơ chống Bitcoin dày đặc của mình, việc bà ký lệnh cho phép treo cờ vinh danh Satoshi Nakamoto đã gây ngạc nhiên cho nhiều người trong tuần này.
Trong bối cảnh "nhà nhà" ăn mừng, các "thám tử" trên nền tảng X đã nhanh chóng chỉ ra sự thật rằng Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren vẫn chưa thay đổi quan điểm về Bitcoin. Thực tế là bất kỳ ai cũng có thể trả phí 34 USD và điền vào biểu mẫu để yêu cầu treo cờ trên tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.
Tìm hiểu về việc xét duyệt nghi thức treo cờ trên Điện Capitol, các thượng nghị sĩ và dân biểu đều cho phép cử tri của họ mua cờ để kỷ niệm các dịp cá nhân như ngày kỷ niệm, lễ tốt nghiệp và ngày nghỉ hưu. Sau đó, các nhà lập pháp sẽ ký giấy chứng nhận kỷ niệm những dịp như vậy và gửi chúng cùng với lá cờ Hoa Kỳ cho các cử tri để giữ làm kỷ vật.
Kiến trúc sư của Tòa nhà Quốc hội ước tính rằng có 100.000 yêu cầu như vậy được các nhà lập pháp gửi tới để đăng ký treo cờ trên Tòa nhà Quốc hội mỗi năm. Do khối lượng giao dịch lớn đơn đăng ký và nghi lễ chào cờ, kiến trúc sư của Điện Capitol không lưu giữ hồ sơ chi tiết về lá cờ nào, do nhà lập pháp nào đệ trình, sẽ được treo vào ngày nào.
Giải thích về thông tin đăng tải bởi Bitcoin Magazine, nhiều người cho rằng bài viết có nội dung chủ yếu châm biếm Warren vì cuối cùng đã "nhìn thấy ánh sáng màu cam" (ám chỉ biểu tượng Bitcoin), cho thấy văn phòng của Thượng nghị sĩ có cách tiếp cận cực kỳ tự do ngôn luận trong việc kiểm duyệt các yêu cầu trên biểu mẫu đăng ký treo cờ.
Trong một thông tin khác liên quan đến "cha đẻ Bitcoin", phiên toà chứng minh Craig Wright không phải Satoshi Nakamoto đã bước sang phiên xử thứ 10. Trong hơn 30 giờ tranh luận trước đó, người đàn ông mang quốc tịch Úc, từ lâu đã luôn nhận mình là “cha đẻ của Bitcoin” - cũng như nhiều chức danh khác như nhà khoa học máy tính, nhà kinh tế học, chuyên gia mật mã học, nhà toán học, tác giả, luật sư, nhà phát minh và bậc thầy võ thuật - đã bị đưa ra nhiều chứng cứ chống lại bản thân.
Nhiều nhân vật nổi tiếng trong ngành tiền mã hóa đã bày tỏ "ra mặt" sự khó chịu với Craig Wright. Vitalik Buterin từng tuyên bố không tin Wright là Satoshi, còn sàn Binance dưới sự chỉ đạo của cựu CEO Changpeng Zhao vào năm 2019 thậm chí đã hủy niêm yết dự án Bitcoin SV (BSV) do Wright hậu thuẫn như một cách để tẩy chay nhân vật này.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68