Dạo gần đây giao thức sudoswap đang nhận được khá nhiều sự quan tâm của cộng đồng vì một giải pháp mới có tên là sudoAMM. Đây là một giải pháp nhằm cải thiện tính thanh khoản của NFT và hứa hẹn có khả năng mở ra mùa hè cho thị trường “JPEG”. Vậy giải pháp này hoạt động như thế nào? Hãy cùng đội ngũ AANC tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
Để hiểu được cách hoạt động của sudoAMM, trước tiên chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại cách hoạt động của một Automated Market Maker (AMM) thông thường trong crypto. Hiện tại, phần lớn các AMM như Uniswap, Sushiwap, Pancakeswap,… đang có cơ chế định giá x*y=k. Không phủ nhận rằng cơ chế này đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của DeFi, cung cấp cho người dùng một phương thức giao dịch on-chain dễ dàng. Tuy nhiên, cơ chế này chứa đựng một số hạn chế nhất định. x*y=k sẽ có trượt giá lớn nếu thanh khoản tại pool thấp và phần lớn thanh khoản trong pool không hoạt động hiệu quả.
NFTX – một nền tảng cho phép chuyển đổi NFT thành ERC-20 token (hay còn gọi là fungible token) và sau đó người dùng có thể trực tiếp swap token này để đổi lấy tiền. Đây là một hình thức bán NFT ngay lập tức, không phải niêm yết NFT trên các marketplace và chờ người để mua. Đây là một ý tưởng khá hay và giúp người dùng mua/bán NFT nhanh hơn. Tuy nhiên, vì hoạt động theo cơ chế x*y=k và bản chất nguồn cung hạn chế và token không thể chia nhỏ của NFT nên việc giao dịch sẽ tạo ra trượt giá lớn.
Giả dụ rằng chúng đang có một pool thanh khoản bao gồm 10 ETH và 10 NFT, giá của 1 NFT = 1 ETH. Khi có ai đó thực hiện mua/bán trên pool này thì giá cả và trượt giá sẽ diễn ra như hình bên dưới.
Chúng ta có thể thấy rằng khi người dùng thực hiện mua NFT bằng ETH thì trượt giá trong pool ngày càng tăng lên. Việc này sẽ khiến giá biến động với biên độ mạnh. Hãy nhìn vào bảng bên dưới, mô tả mức giá trung bình khi mua/bán một số lượng NFT trong pool.
Ban đầu giá 1 NFT = 1 ETH nhưng nếu chúng ta thực hiện mua 5 NFT cùng lúc thì mức giá trung bình cho 1 NFT sẽ là 2 ETH, tức có nghĩa giá đã tăng lên đến 100%. Ngược lại giá giảm 33.3% nếu chúng ta thực hiện bán 5 NFT cùng lúc.
Nhưng chúng ta có thể cung cấp thêm thanh khoản để giảm trượt giá mà phải không? Đúng là như vậy nhưng nếu pool là 100 ETH và 100 NFT thì trượt giá vẫn ở mức rất lớn khi so với các giao dịch thông thường. Điều này không chỉ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực cho nhà giao dịch mà còn cho những người cung cấp thanh khoản vì tổn thất tạm thời (Impermanent Loss) cũng rất lớn.
sudoAMM nhận diện được vấn đề này và đã thiết kế một giải pháp giúp giảm trượt giá, từ đó khiến giá cả ít biến động hơn.
Về tổng quan, sudoAMM cho phép người dùng thực hiện mua/bán thông qua các pool thanh khoản, người dùng không cần phải chuyển đổi NFT thành một token ERC-20 đại diện như NFTX mà có thể swap trực tiếp từ NFT ra ERC-20 token. Về trải nghiệm người dùng sẽ có sự tương đồng so với các AMM khác. Tuy nhiên, cơ chế thiết kế ở đằng sau đó chứa đựng nhiều sự khác biệt.
Để hiểu được sudoAMM hoạt động như thế nào, chúng ta hãy cùng nhìn vào dưới góc độ là một LP – người cung cấp thanh khoản.
Người cung cấp thanh khoản sẽ có 3 lựa chọn trên sudoAMM:
– Buy NFT with token: Bạn sẽ phải gửi một số lượng ETH và set mức giá để mua NFT. Sau đó, những người khác sẽ thực hiện bán NFT cho bạn thông qua pool này.
– Sell NFT with token: Ngược lại với pool trên, bạn sẽ gửi một số lượng NFT và set mức giá để bán NFT. Người dùng sẽ thực hiện mua NFT dựa trên pool này.
– Do both and earn trading fees: Mô hình này tương tự như các AMM thông thường, bạn sẽ phải gửi một cặp vào pool bao gồm một số lượng NFT và ETH. Người mua/bán đều có thể tham gia pool này và bạn sẽ thu được phí giao dịch ở mô hình này.
Về cơ bản, 2 pool “Buy NFTs with token” và “Sell NFTs with token” không có nhiều khác biệt so với các NFT marketplace hiện tại như Opensea hay Magic Eden. Chúng ta cơ bản là list NFT/ bidding NFT và chờ người chấp nhận mua/bán ở các mức giá đã thiết lập. Cơ chế số 3 thì lại có mô hình tương đối giống với các AMM thông thường. Vậy thì tại sao sudoAMM có khả năng giúp cải thiện tỷ giá cho những nhà giao dịch?
Mặc dù mang tính chất swap nhưng pool số 3 (Do both and earn trading fees) của sudoAMM không hoạt động theo cơ chế x*y=k. Thay vào đó, giao thức này tách biệt hoàn toàn mối liên hệ giữa giá và lượng token dự trữ trong pool. sudoAMM cho phép nhà cung cấp thanh khoản chỉ định chính xác mức giá thay đổi khi có ai đó thực hiện mua/bán trong pool của họ. Chính cơ chế này đã giúp giảm trượt giá đi rất nhiều.
Như hình trên, người cung cấp thanh khoản sẽ được quyết định một số thông tin như fee amount (phí giao dịch), start price (giá bắt đầu), delta (mức thay đổi giá).
Hãy cùng quay lại ví dụ chúng ta có một pool thanh khoản bao gồm 10 NFT và 10 ETH, 1 NFT = 1 ETH. Ở vị trí là người cung cấp thanh khoản tại sudoAMM, chúng ta sẽ có quyền quyết định mức giá thay đổi khi có ai đó thực hiện mua/bán trong pool của mình. Trong ví dụ này chúng ta sẽ xác định mức giá thay đổi là 1.1, điều này có nghĩa rằng khi có bất kỳ ai đó thực hiện mua/bán NFT thì giá sẽ thay đổi bằng cách tăng/giảm 1.1 lần. Theo đó, giá cả và trượt giá sẽ biến động như bảng bên dưới.
Như vậy với cơ chế này, mức trượt giá đã giảm đi rất nhiều so với cơ chế x*y=k và trượt giá cũng đã được cố định trong tất cả các trường hợp. Trượt giá thậm chí còn có thể giảm nhiều hơn tùy vào mức giá thay đổi mà chúng ta thiết lập.
Kết quả biến động giá khi thực hiện mua/bán NFT trên sudoAMM diễn ra như hình bên dưới.
Như vậy khi mua 5 NFT cùng lúc thì mức giá trung bình cho 1 NFT là 1.221 ETH, thấp hơn rất nhiều so với mức 2 ETH ở mô hình x*y=k.
Như vậy, bằng cách tách biệt hoàn toàn mối liên hệ giữa giá và lượng token dự trữ trong pool thanh khoản cùng với khả năng quy định mức thay đổi giá, sudoAMM đang mang lại một mô hình giao dịch có khả năng giảm trượt giá đi đáng kể.
Bên cạnh đó, một điểm khác biệt ở sudoAMM là đối với một cặp token (ví dụ: BAYC/ETH) sẽ có nhiều pool thanh khoản khác nhau đến từ nhiều LP, mỗi LP có quyền lựa chọn cách cung cấp thanh khoản theo 3 lựa chọn kể trên, có quyền set mức giá bắt đầu và mức thay đổi giá của mỗi giao dịch. Về phía giao diện của người mua/bán, tất cả các pool này sẽ được tổng hợp lại thành một pool lớn, nhà giao dịch không cần quan tâm thanh khoản từ pool nào.
Giải pháp của sudo tập trung vào việc giải quyết thanh khoản của thị trường NFT, làm sao để tạo ra một cách thức mua/bán NFT một cách lập tức với biến động giá nhỏ. Như vậy, sudoAMM đã giúp cho những nhà giao dịch NFT có một cách thức mua/bán tiện lợi và tức thời. Thêm vào đó là giảm thiểu rủi ro về tổn thất tạm thời của những người cung cấp thanh khoản.
Tuy nhiên, giải pháp của sudoAMM còn giải quyết được nhiều hơn thế nữa. Đây có thể sẽ là một cánh cửa mở ra sự phát triển mạnh mẽ cho thị trường lending NFT. sudoAMM đã nâng cao tính chính xác của giá cả và thanh khoản, đây sẽ là cơ sở dữ liệu vô cùng quan trọng đối với các nền tảng lending. Ví dụ, khi một nền tảng lending muốn biết giá trị tài sản thế chấp, họ có thể đối chiếu với giá tại sudoAMM.
Tại sao lại đối chiếu qua sudoAMM mà không phải là OpenSea? Bởi vì giá ở sudoAMM là mức giá bạn có thể chuyển đổi một NFT thành tiền ngay lập tức, còn nếu đối chiếu theo giá sàn ở Opensea thì đó chỉ là mức giá thấp nhất và chưa chắc sẽ có người thực hiện mua ngay lập tức tại mức giá đó.
Bất kỳ một thị trường tài chính nào muốn tăng trưởng thì đòn bẩy là một công cụ không thể thiếu và các nền tảng lending là người đóng vai trò cốt lõi. Vậy nên, nhiều quan điểm cho rằng sudoAMM sẽ khiến thị trường NFT “go to the moon” nhờ vào việc mở khóa các nền tảng lending.
Theo quan điểm của người viết bài, mô hình của sudoAMM về bản chất không có nhiều khác biệt so với một NFT marketplace như OpenSea hay Magic Eden. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một số thay đổi nhỏ này đã tạo ra một mô hình hoạt động hiệu quả hơn cho nhà giao dịch cũng như những người cung cấp thanh khoản.
Tiềm năng mà sudoAMM mang lại trong tương lai khá là rõ ràng. Tuy nhiên, sudoAMM sẽ gặp cạnh tranh lớn với các nền tảng NFT marketplace đã rất phổ biến và có nhiều người dùng như Opensea hay Magic Eden nếu trong tương lai các nền tảng này xây dựng một tính năng tương tự như như vậy. Đó sẽ là một bài toán rất khó mà sudoAMM sẽ cần phải giải quyết.
Ở mặt khác, sudoAMM cũng không phải là một đối thủ nhỏ bé vì mới gần đây ông lớn Uniswap đã tiết lộ rằng sẽ tích hợp giải pháp của sudoswap vào chính nền tảng của mình. Điều này có thể thấy rằng, sudoAMM đang có được một thế lực hùng hậu hỗ trợ ở đằng sau.
Đây sẽ là một cuộc cạnh tranh rất thú vị.
AntiAntiNFTs Club (AANC) là cộng đồng các nhà sưu tập và đầu tư NFT tại Việt Nam. Xuất phát từ tình yêu đối với NFT AANC luôn muốn lan tỏa tình yêu đó đến với mọi người thông qua việc xây dựng một cộng đồng chất lượng, một nơi đúng với slogan của tụi mình đó là “Can’t help falling in love with NFTs”.
Xem thêm các bài viết trước của AANC:
Nguồn: Coin68