Thời gian gần đây, không chỉ riêng cộng đồng Ethereum mà còn cả các hệ sinh thái mới nổi cũng dành sự quan tâm đến cách tiếp cận "Single-slot Finality". Vậy khái niệm này có gì đặc biệt và tác động mà nó có thể đem lại là gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Single-slot Finality là gì? Ethereum hưởng lợi gì từ cách tiếp cận này?
Mình biết rằng khái niệm kỹ thuật này sẽ vô cùng khó hiểu và khiến nhiều anh em hơi "nản" để đọc tiếp. Do đó, sẽ tốt hơn nếu chúng ta bóc tách từng phần của khái niệm này, để từ đó giảm thiểu được mức độ "khó nuốt" của nó.
Finality hiểu đơn giản là trạng thái mà blockchain cố định và ghi nhận hoàn toàn giao dịch. Từ đó, việc tấn công để thay đổi dữ liệu trong quá khứ sẽ trở nên tốn kém và động lực về mặt tài chính để thực hiện tấn công sẽ không còn.
Với blockchain Ethereum hiện tại, có 32 block (hay 32 slot) trong một Epoch, và sẽ cần 2/3 tổng lượng ETH được stake vào mạng lưới công nhận là Epoch đó được "finalized" thì trạng thái Finality sẽ được ghi nhận.
Lấy ví dụ như hình trên đây, khi theo dõi thông tin về các Block trên Etherscan, dò vào mục Status, anh em sẽ biết được là Block đó đã được "Finalized" hay chưa. Ở hình trên, với trạng thái "Unfinalized" có nghĩa là giao dịch chúng ta về mặt danh chính ngôn thuận thì chưa được Blockchain chấp nhận 100%.
Một khi giao dịch, block và Epoch đạt trạng thái Finality, đơn vị hay cá nhân muốn tấn công sẽ phải cam kết đốt tối thiểu 1/3 lượng ETH trong mạng lưới để hoán đổi dữ liệu giao dịch này.
Như mình có đề cập ở trên, với mạng lưới Ethereum, một Epoch sẽ có 32 slot. Mỗi slot này tượng trưng cho 1 Block và các giao dịch của chúng ta sẽ được đính kèm vào trong từng Block này.
Trở lại với Etherscan, khi dò vào mục "Proposed On" thì chúng ta sẽ biết Block này thuộc Slot nào và Epoch nào. Còn dò mục "Transactions" thì chúng ta sẽ biết Block này đính kèm bao nhiêu giao dịch trong đó.
Tất nhiên con số slot trong mỗi Epoch sẽ khác biệt trên các mạng lưới khác, từ đó sẽ ảnh hưởng đến tốc độ xử lý giao dịch của từng blockchain.
Như vậy, tổng hợp 2 khái niệm trên, chúng ta có thể tạm hiểu rằng Single-slot Finality có nghĩa là rút ngắn thời gian "đóng dấu" blockchain từ 1 Epoch (tức 32 slot) xuống chỉ còn 1 slot.
Đầu tiên, lí do quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho mạng lưới. Một khi giao dịch hay khối đã được "Finalized", mạng lưới sẽ được coi là an toàn tính đến cột mốc đó. Việc Finalize từng slot sẽ đảm bảo tính ổn định và an toàn trong xác thực cho mạng lưới. Ngoài ra, việc liên tục Finalize các block sẽ hạn chế khả năng xảy ra hiện tượng Reorg hay nghiêm trọng hơn là fork blockchain hoàn toàn.
Tiếp đó là hạn chế ảnh hưởng của MEV. Việc thông tin về khối giao dịch đã được công khai và cần thời gian dài để "finalized" sẽ tạo điều kiện để các đơn vị có ưu thế điều chỉnh lại thứ tự giao dịch nhằm trục lợi.
>> Xem thêm: Các dự án đang muốn xử lý MEV như thế nào?
Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của các Layer-2, việc giao tiếp và tương tác giữa các lớp sẽ phát sinh nhiều trì trệ. Khi các Layer-2 gửi Proof vào Epoch của Layer-1 và cần chờ thời gian Finality để được xem là hoàn toàn toàn, việc trì trễ trong quảng thời gian này có thể dẫn đến một vài rủi ro kỹ thuật không đáng có cho cả Layer-2 lẫn Mainnet Layer-1.
Một câu chuyện ngoài lề, cũng liên quan đến từ khoá "Finality", đó là vào tháng 05/2023, vì những trục trặc liên quan đến phần mềm Client, mạng lưới Ethereum đã gặp sự cố với khâu "Ấn định - Finality". Mạng lưới thậm chí đã kích hoạt cơ chế khẩn cấp "Inactivity Leak" để tái khởi động khâu xác thực. Anh em có thể tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện này trong tập podcast mình để link dưới đây nhé!
>> Xem thêm: DeFi Discussion ep.96: Chuyện gì đã xảy ra với Ethereum? Giải mã sự cố của mạng lưới ETH
Tất nhiên, với nhiều lợi ích như vậy thì mạng lưới chắc chắn sẽ muốn triển khai cơ chế này. Ồ không, mọi thứ khi triển khai thực tế sẽ không đơn giản vậy đâu...
Áp lực đè lên các Validator sẽ lớn hơn, vì thời gian Finalize sẽ ngắn lại, đồng nghĩa khối công việc, sự phức tạp với khâu giao tiếp của các node trong mạng lưới sẽ lớn lên.
Ngoài ra, số lượng Validator cũng có quan hệ cùng chiều với thời gian Finalize. Điều này đồng nghĩa, muốn giảm thiểu thời gian Finalize, thì số lượng Validator trong mạng lưới cũng phải giảm xuống và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tính phi tập trung.
Vậy thì với những hạn chế về mặt nguyên lý đã nêu ở phần trước, đâu là những cách tiếp cận có thể giúp Ethereum "trung hoà" được các khía cạnh và đạt được tầm nhìn "Single-slot Finality"?
Một trong những giải pháp cho vấn đề này là loại bỏ mức giới hạn ngưỡng 32 ETH cho một Validator. Điều này đồng nghĩa, các đơn vị vận hành có thể gộp các Validator của mình lại thành một hợp thể lớn hơn, từ đó giảm thiểu áp lực về khối lượng "Message" (tạm dịch: Dữ liệu truyền đi để xác thực trong mạng lưới). Hướng tiếp cận này từ đó sẽ giảm thiểu sự phức tạp cho mạng lưới Validator khi muốn tăng tần suất Finalize các khối. Giải pháp mở rộng DankSharding trong tương lai cũng có đề cập đến câu chuyện không giới hạn 32 ETH cho một Validator (thay vào đó con số trong tương lai có thể là 2048 ETH).
Nhưng tăng số lượng ETH yêu cầu đối với Validator cũng đồng nghĩa tăng rào cản cho những tay chơi mới muốn tham gia đóng góp xác thực vào mạng lưới. Do đó, giải pháp này vẫn đang trong trạng thái thăm dò để ngỏ.
Một đề xuất khác để tăng số lượng Validator mà không làm giảm thời gian Finality đó là tạo ra nhiều tầng quản trị hơn, hay còn được gọi với tên là Committee. Cấu trúc này hiện đang được áp dụng với Ethereum, khi các Validator sẽ chia nhỏ theo từng hội đồng nhỏ, sau đó chữ ký xác thực của họ sẽ được tổng hợp chéo và từ đó đưa vào một lớp quản trị chung là Main Subnet.
Tuy nhiên, cấu trúc nhiều tầng hiện tại vẫn là chưa đủ khi muốn triển khai Single-slot Finality, do đó hiện tại có nhiều đề xuất tạo thêm nhiều tầng quản trị hơn, từ đó tạo ra nhiều lớp tổng hợp chữ ký chéo và từ đó tăng được số lượng Validator lên.
Ngoài ra, Vitalik Buterin còn đề xuất một giải pháp tạo lập một Super-Comitee. Có thể tạm coi đây là một đại hội đồng và lựa chọn ngẫu nhiên một nhóm Validator trong mạng lưới để tham gia ký xác thực. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải nhiều vấn đề liên quan đến cách lựa chọn Validator vào hội đồng. Ngoài ra, lựa chọn một nhóm nhỏ Validator sẽ tạo ra những vấn đề liên quan đến "Giảm rào cản tấn công 51%" cho các đơn vị có mục đích xấu.
Ngoài Ethereum là hệ sinh thái đang có tầm nhìn dịch chuyển sang cách tiếp cận xác thực từng slot, các hệ sinh thái mới nổi về sau cũng đang dần lựa chọn hướng đi này.
Monad mới đây nổi lên như một EVM blockchain với cách tiếp cận Parralel Execution. Song song đó, để tăng tốc độ xử lý của mạng lưới, giải pháp này cũng lựa chọn cách tiếp cận xác thực từng Slot (Single-slot Finality).
Một cái tên mới nổi gần đây là SEI cũng sử dụng cơ chế Single-slot Finality để tăng thời gian xử lý giao dịch của mình.
Ở thời điểm bài viết, thú thật là bản thân mình chưa tìm thêm được thông tin về nhiều blockchain lựa chọn hướng đi này, do đó rất mong nhận được các đóng góp thêm thông tin từ phía anh em bạn đọc.
Lưu ý, các dự án được liệt kê trong phần này chỉ mang tính chất tổng hợp thông tin và không được xem là lời khuyên đầu tư.
Đây là một hướng tiếp cận mới của các giải pháp hệ sinh thái ra đời sau này. Còn với Ethereum, để dịch chuyển sang cách tiếp cận này sẽ cần rất nhiều thời gian và thậm chí là những dịch chuyển cơ bản dưới hạ tầng như Verkle Tree hay Danksharding. Do đó, cá nhân mình cho rằng từ khoá Single-slot Finality hiện tại chỉ nên đặt trong giai đoạn theo dõi phát triển, chứ không phải là một thứ quá thần thánh và có thể được triển khai ngay lập tức.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68