Sở dĩ DeFi bùng nổ là bởi vì nó có thể mang những thực thể, hoạt động tài chính thông thường vào thế giới crypto, tận dụng công nghệ blockchain để tăng thêm các tính năng về phi tập trung, không bị giám sát và những lợi ích khác cho người dùng. Một trong những dự án mô phòng thành công hoạt động của các ngân hàng chính là AAVE. Trong bài viết hôm nay, anh em cùng mình nhìn lại AAVE trong hơn nửa đầu năm 2022 nhé!
Nhìn lại DeFi (Phần 2): AAVE – Ngân hàng phi tập trung hàng đầu thị trường đang làm gì?
Nếu anh em còn chưa biết, AAVE là một dự án trong mảng Lending – Borrowing (Vay và cho vay). Cơ chế hoạt động của AAVE hoàn toàn tương tự một ngân hàng thông thường. Anh em có thể tham gia vào giao thức dưới vai trò depositor (người cung cấp tài sản) hoặc borrower (người vay). AAVE là trung gian điều khiển dòng tiền do các depositor nạp vào và kinh doanh (cho vay) để tạo ra lợi nhuận, một phần lợi nhuận sẽ được chia cho các depositor, một phần sẽ thuộc về giao thức.
Mô tả hoạt động đơn giản của giao thức. Nguồn: AAVE
Trong nửa đầu năm 2022, AAVE tập trung vào việc tiếp tục cải thiện sản phẩm, với việc ra mắt testnet và mainnet của AAVE v3.
AAVE v3 được xây dựng nhằm giúp cho AAVE trở thành một giao thức DeFi mạnh mẽ, tiên tiến, an toàn và hiệu quả nhất. V3 được mô tả sẽ mang lại hiệu quả sử dụng vốn cao hơn, tăng cường bảo mật và và tính năng cross-chain.
Một số tính năng mới của V3 bao gồm:
– High Efficiency Mode: Cho phép người dùng khai thác tối đa tài sản thế chấp trên AAVE, mang lại lợi nhuận cao hơn.
– Isolation Mode: Hạn chế rủi ro và rủi ro đối với giao thức từ các tài sản mới được thêm vào giao thức bằng cách chỉ cho phép vay tối đa một số tiền cụ thể.
– Risk Management Improvements: Cung cấp khả năng bảo vệ bổ sung cho giao thức thông qua các giới hạn rủi ro khác nhau và các công cụ khác;
– L2-Specific Features: Các thiết kế dành riêng cho mạng Lớp 2 để cải thiện trải nghiệm người dùng và độ tin cậy;
– Portal: Cho phép nội dung lưu chuyển liền mạch giữa các thị trường Aave V3 qua các mạng khác nhau (lưu ý rằng tính năng này sẽ chỉ khả dụng khi triển khai mạng chính);
– Community Contribution: Tạo điều kiện và khuyến khích cộng đồng sử dụng thông qua một cơ sở mã mô-đun, được tổ chức tốt.
– Gas Optimization: Chi phí khí đốt của tất cả các chức năng được giảm khoảng 20-25% trên diện rộng.
Một thông tin gây bất ngờ với cộng đồng DeFi tại thời điểm nó được công bố là việc Aave sẽ xây dựng một đồng stablecoin phi tập trung mang tên GHO. Đề xuất này hiện đã được cộng đồng Aave thông qua và quá trình chuẩn bị sẽ được đội ngũ Aave đẩy nhanh trong thời gian tới.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về GHO, quý độc giả cả có thể tham khảo bài viết dưới đây của Coincuatui.
TVL trên AAVE đang được phân tách riêng cho từng phiên bản:
TVL của AAVE. Nguồn: DefiLlama
Như anh em có thể thấy, TVL của AAVE tập trung chủ yếu vào V2 và V3, số liệu tại V1 và AAVE Arc không đáng kể. Vì vậy, chúng ta sẽ tập trung phân tích hoạt động của AAVE trên V2 và V3.
TVL trên AAVE V2. Nguồn: DefiLlama
TVL trên AAVE V3. Nguồn: DefiLlama
Như vậy, tính từ đầu năm 2022 đến nay, TVL trên AAVE V2 đã sụt giảm từ khoảng 13.4 tỷ USD xuống chỉ còn gần 5.3 tỷ USD, tương đương mức giảm 60.4%. Ngược lại, kể từ sau khi ra mắt mainnet (tháng 3/2022), TVL trên AAVE V3 lại có sự tăng trưởng từ khoảng 67 triệu USD (tính từ tháng 4) lên đến gần 1.2 tỷ USD, tương đương mức tăng gần 18 lần.
Như vậy, việc AAVE V2 sụt giảm TVL ngoài nguyên nhân từ tình hình thị trường suy giảm (giá các đồng coin/token giảm mạnh khiến TVL neo theo giá trị các đồng đó trên AAVE cũng giảm) thì còn một phần TVL từ V2 đã được chuyển sang V3 để tận dụng các tính năng mới.
Phân tích TVL trên AAVE V2 và V3. Nguồn: DefiLlama
Như vậy, mặc dù trọng tâm phát triển của AAVE vẫn là Ethereum, nhưng chúng ta cũng có thể thấy dự án đã mở rộng trên rất nhiều hệ sinh thái khác, trong đó có cả những chain khá hot như Polygon, Avalanche, Optimism, Arbitrum. Động thái này của AAVE theo mình có 2 ý nghĩa:
Thông thường, mỗi một hệ sinh thái để phát triển cần xây dựng đủ các mảnh ghép (AMM, Lending, Launchpad, Yield Farming…). Các dự án trên hệ sinh thái mới thường non trẻ và dễ bị vượt qua. Chính vì vậy, AAVE đã nhanh nhạy mở rộng nhằm chiếm lĩnh các thị trường mới, đảm bảo dù hệ sinh thái nào bùng nổ thì AAVE cũng sẽ được hưởng lợi.
Không phải ngẫu nhiên mà trong danh sách mở rộng của AAVE có đến 3 cái tên về Layer-2 là Arbitrum, Optimism và Polygon. Ethereum dù có nhiều cập nhật nhưng vẫn khá đắt đỏ, nhất là “cao điểm”. Việc AAVE triển khai trên các Layer-2 và hệ sinh thái mới cũng là bước thử để tìm ra thị trường hiệu quả hơn.
AAVE hoạt động theo mô hình kinh doanh ngân hàng, vì vậy hiệu quả sử dụng vốn rất quan trọng.
Nguồn vốn huy động từ người dùng, các quỹ đầu tư chính là nguồn vốn có chi phí rẻ, trong khi đó nguồn vốn cho vay chính là nguồn vốn tạo ra lợi nhuận (lãi suất cao hơn lãi suất phải trả cho vốn huy động). Vì vậy, tỷ lệ số tiền cho vay/tổng số tiền huy động càng cao, hiệu quả sử dụng vốn càng tốt.
Tuy nhiên, vì là giao thức hoạt động theo mô hình vay có thế chấp kết hợp thanh lý, đồng thời thị trường crypto rất biến động, cho nên tỷ lệ số tiền cho vay/tổng số tiền huy động không thể quá cao vì sẽ dễ gặp rủi ro thanh lý hàng loạt. Theo cá nhân mình, để được xem là hiệu quả, các giao thức lending cần duy trì tỷ lệ đạt tối thiểu 50%.
Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích hiệu quả sử dụng vốn của AAVE trên các hệ sinh thái nổi bật nhất:
Số liệu được tính tại 03/08/2022. Nguồn: AAVE
Chú thích: Nếu anh em có thắc mắc về số liệu thì mình giải thích luôn là TVL mà mình trích nguồn ở DefiLlama nói trên chỉ tính dựa trên Số tiền còn khả dụng, không tính trên tổng số tiền và số tiền đã cho vay nhé.
Như vậy, hiệu suất cho vay của AAVE trên Avalanche khá ấn tượng khi đạt đến 55.3%, tiếp theo đó là Ethereum và Polygon. Tuy nhiên, vì tỷ trọng vốn trên Ethereum chiếm phần lớn, do đó nhìn chung AAVE giai đoạn này đang hoạt động kém hiệu quả.
Sở dĩ xảy ra tình trạng này, theo mình phần lớn chủ yếu đến từ biến động của thị trường thời gian qua. Khi hàng loạt tài sản crypto bị giảm mạnh sẽ dẫn đến rủi ro thanh lý, để giảm rủi ro thanh lý, người vay cần trả phần lớn khoản nợ => tổng số tiền vay giảm mạnh. Ngoài ra, dòng tiền rút ra khỏi thị trường về stablecoin cũng khiến nhu cầu cho vay giảm đi.
Để phân tích được doanh thu của AAVE, chúng ta sẽ sử dụng số liệu của Token Terminal.
Doanh thu của AAVE. Nguồn: Token Terminal
Để anh em dễ hiểu, mình sẽ giải thích thêm một chút:
– Total Revenue: được tính dựa trên tổng số tiền lãi mà người vay (borrower) trả cho giao thức.
– Supply-side Revenue: được tính dựa trên tổng số tiền lãi mà giao thức phải trả cho những người cung cấp tài sản (hay người gửi tiền – lender).
Như vậy, doanh thu thực tế mà AAVE thu được = Total Revenue – Supply side Revenue
Sau khi đối chiếu, mình nhận thấy mức doanh thu này của AAVE sẽ rơi vào đâu đó khoảng trung bình 50.000 USD/ngày, tương đương với khoảng 1.5 triệu USD/tháng. Dĩ nhiên, anh em có thể nhận thấy trong thời gian từ tháng 5 trở lại đây, doanh thu của AAVE nhìn chung suy giảm khá nhiều, chỉ đạt khoảng 20.000 – 30.000 USD/ngày.
Như mình đã phân tích ở trên, hiện tại nhu cầu đi vay trên thị trường khá ít, vì vậy việc AAVE bị sụt giảm doanh thu, lợi nhuận gần như là điều chắc chắn. Tuy vậy, nếu duy trì được mức doanh thu nói trên kể cả trong những thời điểm khó khăn, việc AAVE tồn tại qua thời kỳ downtrend là không quá khó.
Từ những phân tích ở trên,chúng ta có thể rút ra một số kết luận cho AAVE như sau:
Thứ nhất: AAVE vẫn đang tập trung cải thiện sản phẩm tốt hơn, đồng thời triển khai chiếm lĩnh thị trường thông qua việc xây dựng multi-chain.
Điều này có ưu điểm là khiến độ phủ của giao thức rộng hơn, khiến người dùng nhận diện thương hiệu và sử dụng giao thức nhiều hơn, đồng thời bất kỳ hệ sinh thái nào đã triển khai bùng nổ thì AAVE đều được hưởng lợi. Tuy vậy, nhược điểm sẽ là TVL trên giao thức bị dàn trải rộng, đòi hỏi cần có giải pháp cross-chain hỗ trợ, cũng như dễ bị tấn công. Gần đây, AAVE đã đề xuất rút khỏi Fantom cũng vì lo ngại bảo mật.
Thứ hai: AAVE V3 đang cho thấy những bước đi tích cực hơn.
Số liệu thống kê trên V3 tương đối ổn định, bất chấp thị trường suy giảm. Đây có lẽ là điểm tích cực với AAVE trong thời gian qua khi họ đã chứng tỏ được những cải thiện trong V3 giúp giữ chân được người dùng và tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Thứ ba: AAVE cần cải thiện hiệu quả sử dụng vốn.
Mặc dù V3 có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên, AAVE V2 vẫn chiếm tỷ trọng TVL lớn vượt trội và như chúng ta đã phân tích, hiệu quả sử dụng vốn của giao thức là không cao. Việc này đến từ nguyên nhân khách quan (thị trường đi xuống, nhiều người cần trả bớt tiền vay để tránh thanh lý; nhu cầu vay vốn giảm xuống…), tuy nhiên không thể không thừa nhận AAVE cũng chưa có giải pháp nào hiệu quả để kích thích người vay (giảm lãi suất cho vay, các chương trình ưu đãi hấp dẫn như retroactive…)
Thứ tư: AAVE vẫn tồn tại được, vì vậy chúng ta có quyền hy vọng.
Khác với các dự án đang chết dần chết mòn, AAVE có doanh thu vẫn dương, và mức thu được vẫn ổn định.
Đây là tiền đề để anh em có thể hy vọng AAVE tiếp tục tồn tại, phát triển và đánh bại các đối thủ trong thời kỳ khó khăn, để rồi bùng nổ khi thị trường “uptrend” trở lại.
Thứ năm: Token AAVE cần có thêm công dụng thực tiễn.
Tương tự như UNI của Uniswap, AAVE hiện có khá ít use case. AAVE chủ yếu dùng để quản trị (governance), được giảm một phần phí (khi dùng AAVE thế chấp), một phần AAVE được đốt dựa trên revenue của giao thức… Theo mình, đây không thực sự là những use-case giá trị cho một token. AAVE cần nhiều hơn thế để bùng nổ. Stablecoin GHO có thể được tạo ra để bổ sung thêm khía cạnh này cho Aave.
Như vậy, chúng ta đã cùng nhau “nhìn lại AAVE”. Ý kiến của anh em về giao thức này như thế nào? Anh em muốn mình viết thêm về dự án nào? Để lại bình luận nhé! Hẹn gặp lại anh em trong các bài viết tiếp theo!
Poseidon
Xem thêm các bài viết khác của tác giả Poseidon:
Nguồn: Coin68