Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) đang cân nhắc đánh thuế tiền mã hóa như tài sản tài chính thay vì tính vào thu nhập.
Nhật Bản đề xuất giảm thuế crypto như tài sản tài chính. Ảnh: CoinGape
Trong yêu cầu cải cách thuế cho năm tài chính 2025, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) đề xuất:
“Cần xem xét liệu tài sản tiền mã hóa có nên được coi là tài sản tài chính để công chúng đầu tư hay không.”
Nếu có thay đổi, người có thu nhập cao từ tiền mã hóa có thể được hưởng mức thuế thấp hơn. Hiện nay, Nhật Bản đánh thuế lợi nhuận từ tiền mã hóa như thu nhập, với tỷ lệ dao động từ 15% đến 55%. Mức thuế cao nhất 55% áp dụng cho lợi nhuận trên 200.000 yên Nhật (khoảng 1.377 USD), tùy thuộc vào bậc thuế thu nhập cá nhân của từng người.
Ngược lại, lợi nhuận từ giao dịch chứng khoán như cổ phiếu chỉ bị đánh thuế tối đa 20%. Các công ty sở hữu tiền mã hóa cũng phải chịu mức thuế cố định 30% vào cuối năm tài chính, ngay cả khi không có lợi nhuận từ việc bán tài sản.
Báo cáo còn tiết lộ, tiền mã hóa có thể giúp tăng thu nhập và đặt nền móng tài sản cho các hộ gia đình, nhưng hiện tại vẫn chưa được nhiều nhà đầu tư cá nhân sử dụng. Tuy vậy, 54% quản lý quỹ ở Nhật lại muốn rót vốn vào crypto trong vòng 3 năm tới.
Các bộ ngành của chính phủ sẽ gửi yêu cầu cải cách thuế đến đảng cầm quyền, sau đó đảng sẽ chuyển cho ủy ban nghiên cứu hệ thống thuế và quốc hội Nhật Bản xem xét. Cải cách thuế chỉ được thông qua nếu được cả hai viện của chính phủ phê duyệt.
Trong hai năm qua, Nhật Bản đã xem xét lại cách đánh thuế tiền mã hóa vì mức thuế cao trước đây đã khiến nhiều công ty tiền mã hóa rời bỏ đất nước này. Năm ngoái, chính phủ cũng đã tuyên bố rằng các công ty phát hành tiền mã hóa sẽ không phải nộp thuế trên các khoản lãi chưa thực hiện.
Hiệp hội Blockchain Nhật Bản, một nhóm vận động ủng hộ tiền mã hóa, đã yêu cầu chính phủ giảm thuế cho tài sản crypto vào năm 2023. Vào ngày 19/07, nhóm này cũng đã nộp yêu cầu cải cách thuế cho năm tài chính 2025 nhằm thúc đẩy ngành tiền mã hóa tại xứ phù tang. Đề xuất của họ bao gồm mức thuế cố định 20% cho tiền mã hóa và khấu trừ lỗ trong 3 năm.
Nhìn chung, những nỗ lực trên vẫn chưa dẫn đến bất kỳ thay đổi chính sách nào cho ngành tiền mã hóa tại Nhật Bản.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68