Nếu tham gia thị trường đủ lâu, chắc bạn không xa lạ gì với những cái tên như Alameda Research, sàn FTX và Sam Bankman-Fried (SBF) – thường được gọi với cái tên “dân dã” là Sam xoăn. Ba cái tên này được kết nối với nhau bởi một mối quan hệ vô cùng chặt chẽ, nhưng cũng dễ làm người khác đặt ra câu hỏi:
Rốt cuộc thì Alameda Research và FTX dưới bàn tay của SBF có quan hệ hợp tác như thế nào với nhau? Hay chính xác hơn, 3 thực thể này đang “bắt tay” chi phối thị trường như thế nào?
Hãy cùng vén màn bí mật qua những phân tích của Bloomberg nhé!
Hành trình dấn thân vào thị trường tiền mã hóa đã được Sam kể lại nhiều lần, các bạn có thể tìm đọc ở bài viết: Sam Bankman-Fried là ai? Tầm ảnh hưởng của Sam Xoăn đối với thị trường Crypto.
Xuất thân là “dân tài chính” chính gốc Wall Street, Sam nhanh chóng nhận ra cơ hội kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) Bitcoin giữa 2 thị trường Mỹ và Nhật Bản. Thế là Alameda Research được thành lập vào tháng 11/2017 chỉ để “mua BTC giá thấp ở thị trường Mỹ và bán ra giá cao hơn ở thị trường Nhật”. Vào lúc cao điểm, Alameda Research kiếm được 1 triệu USD mỗi ngày làm việc.
Công việc kinh doanh tiến triển tốt, nhưng Sam vẫn gặp trở ngại khi làm việc với các sàn giao dịch thời bấy giờ. Thế là sàn FTX ra đời vào tháng 4/2019 ở Hồng Kông. Trong một năm đầu tiên, Alameda đóng vai trò quan trọng tại FTX: là nhà cung cấp thanh khoản chính, chiếm một nửa khối lượng (volume) trên sàn giao dịch. Qua thời gian, hoạt động tạo lập thị trường của Alameda cho FTX cũng giảm dần – như lời SBF khẳng định.
Tua nhanh đến thời điểm hiện tại, FTX là sàn giao dịch lớn thứ hai thế giới, còn Alameda Research là một trong những quỹ đầu tư tiền mã hóa hàng đầu, tham gia đủ loại hoạt động, từ đầu tư mạo hiểm, market making, yield farming đến giao dịch trực tiếp.
Sam từ chức CEO Alameda Research hồi tháng 10/2021 để “full-time” FTX, giữ vị trí này hiện tại là Caroline Ellison – một nhân sự cốt cán và là đồng nghiệp lâu năm của SBF.
Kể từ đó, Sam luôn khẳng định Alameda và FTX là hai tổ chức độc lập, kinh doanh riêng biệt và có những rào cản nghiêm ngặt khi chia sẻ thông tin và nguồn lực với nhau. Hơn nữa, FTX có quỹ đầu tư riêng là FTX Ventures.
Trong một lần phỏng vấn, SBF khẳng định:
“Alameda là một tổ chức hoàn toàn riêng biệt với FTX. Alameda đặt lệnh và truy cập thông tin khách hàng trên FTX hoàn toàn giống như cách những người dùng khác làm. Không hề có ưu tiên đặc biệt nào dành cho họ.”
Nhưng thực tế thì sao?
FTX kiếm tiền từ phí giao dịch và tiền lãi vay của người dùng. Còn doanh thu của Alameda đến từ lợi nhuận đầu tư cùng hoạt động giao dịch (mua/bán token).
Đối với thị trường tài chính truyền thống, hai ngành kinh doanh này thường không liên kết với nhau để giúp đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và cân bằng giá cho khách hàng. Nhưng với thị trường tiền mã hóa, một lĩnh vực còn quá mới mẻ và chưa có quy định pháp lý rõ ràng, những ranh giới mong manh dễ bị xóa nhòa.
Có thể hình dung FTX như sàn chứng khoán NYSE còn Alameda như công ty market making Citadel Securities vô cùng khổng lồ. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi NYSE và Citadel có chung chủ sở hữu?
Larry Tabb, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cấu trúc thị trường tại Bloomberg Intelligence, bày tỏ lo ngại:
“Việc có các sàn giao dịch và các nhà tạo lập thị trường (market maker) có quan hệ chặt chẽ và ràng buộc lợi ích tài chính với nhau – là không có lợi cho việc trở thành một thị trường công bằng.”
Rất khó để đánh giá hoạt động market making của Alameda trên FTX vì giao dịch diễn ra trên các sàn CEX không phải tất cả đều là giao dịch blockchain. Tuy nhiên, có thể quan sát các hoạt động on-chain để có cái nhìn cơ sở về mối quan hệ này.
Theo các nghiên cứu của Bloomberg, từ ngày 01/06 đến ngày 22/07, các ví được biết đến là của Alameda là bên nạp stablecoin nhiều nhất vào sàn FTX và là nguồn thanh khoản cho tất cả địa chỉ ví được biết đến là của FTX. Ngoài ra, Alameda chiếm hơn 10% tổng số giao dịch liên quan đến Tether (USDT) và 30% tổng số giao dịch chuyển USDC.
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Arkham, khoảng 50% khối lượng gửi và rút tiền của Alameda kể từ đầu năm 2018 là thực hiện thông qua sàn FTX. Nói rộng ra, FTX là một trong những sàn giao dịch chính của Alameda.
Tương tự, 22% lượng tiền gửi và rút on-chain của ví FTX là tương tác với các ví thuộc Alameda. Để so sánh thì chỉ 4% hoạt động on-chain của ví sàn Binance là tương tác với ví của Alameda.
Như đã giải thích, chỉ số liệu on-chain thôi là không đủ để khẳng định Alameda là market maker lớn nhất của FTX. Nhưng chúng cho thấy rằng có một lượng rất lớn tài sản số đang liên tục luân chuyển giữa FTX và Alameda.
Tuy nhiên, CEO Alameda Ellison khẳng định:
“Chúng tôi có nguyên tắc khắc khe về việc chia sẻ thông tin để đảm bảo rằng không ai ở Alameda lấy thông tin khách hàng từ FTX hoặc bất kỳ thứ gì tương tự, hoặc bất kỳ hình thức đối xử đặc biệt nào từ FTX.
Ưu tiên cao nhất của FTX là trở thành một thị trường trung lập, công bằng, nơi mọi người dùng đều có được cơ hội bình đẳng như nhau.”
Trong thị trường tài chính truyền thống, khi một sàn giao dịch đăng ký giấy phép hoạt động với SEC, sàn phải cung cấp thông tin về tài chính, quyền sở hữu, người dùng và giao thức, cũng như chịu sự giám sát của các bên liên quan.
Nhưng với tiền mã hóa thì chưa có những quy định như vậy. Lỗ hổng pháp lý sẽ tạo điều kiện cho lợi ích tiềm ẩn và dẫn đến sự thiếu minh bạch của thị trường. Để rồi cuối cùng, người chịu thiệt hại nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng.
Do đó, mối quan hệ “khăn khít” giữa Alameda Research và FTX vẫn luôn bị cộng đồng đặt đấu hỏi, dù dĩ nhiên những suy đoán kể trên chỉ là từ phía Bloomberg và thực sự chưa có bằng chứng chính xác về những suy đoán này.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68