Công ty đại chúng Metaplanet thông báo dùng Bitcoin làm tài sản dự trữ giữa lúc Nhật Bản ngồi trên “núi nợ" ngày càng tăng.
Metaplanet dùng Bitcoin làm tài sản dự trữ giữa lúc Nhật Bản ngồi trên “núi nợ" ngày càng tăng
Theo CoinDesk, công ty đại chúng Metaplanet đã thông báo sử dụng Bitcoin làm tài sản dự trữ chiến lược, trong bối cảnh Nhật Bản đang hứng chịu những thất thoát tài chính nặng nề và nợ công ngày càng leo thang.
Metaplanet dùng Bitcoin làm tài sản dự trữ để chuẩn bị cho gánh nặng nợ công của đất nước mặt trời mọc, kéo theo sự biến động của đồng yên.
Metaplanet cho biết trong thông cáo báo chí ngày 13/05:
“Động thái này là phản ứng trực tiếp của công ty trước áp lực kinh tế kéo dài ở Nhật Bản, đặc biệt là mức nợ chính phủ cao, thời gian lãi suất thực âm kéo dài với sự suy giảm của đồng yên.
Khi đồng yên tiếp tục suy yếu, Bitcoin cung cấp một kho lưu trữ giá trị tự do và nhiều khả năng tăng giá so với các loại tiền tệ truyền thống."
Kể từ tháng 4/2024, Metaplanet đã mua được 117,7 BTC (7,19 triệu USD). Đây là cũng là chiến lược mà công ty đại chúng sở hữu Bitcoin nhiều nhất thế giới là MicroStrategy theo đuổi. Như Coincuatui đã đưa tin trước đó, MicroStrategy đang nắm giữ 1% tổng cung Bitcoin với 25.250 Bitcoin được thu mua vào trong 4 tháng đầu năm 2024.
Bên cạnh việc phát triển và vận hành khách sạn, Metaplanet còn đầu tư vào Web3 và một số lĩnh vực khác như tư vấn IR, phát triển bất động sản, đầu tư và phân phối. Hiện công ty đã ngừng tham gia vào Web3 và chỉ tập trung vào Bitcoin và duy trì hoạt động trong ngành bất động sản thương mại.
Công ty có kế hoạch nắm giữ Bitcoin trong thời gian dài để đảm bảo lợi nhuận chịu thuế được thực hiện ở mức tối thiểu và thu được nhiều Bitcoin hơn bằng cách phát hành các khoản nợ dài hạn bằng đồng yên khi có cơ hội.
Phản ứng từ Metaplanet là một phương án nổi bật vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính của Nhật Bản đang diễn ra. Đặc biệt, Bitcoin từ lâu đã được ca ngợi là một tài sản dự trữ tiềm năng khi nền tài chính truyền thống gặp vấn đề. Theo IMF, tỷ lệ nợ công trên GDP của Nhật Bản vượt quá mức 250%, hiện đang cao nhất trong các nước phát triển. Theo thống kê, tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ chỉ bằng một nửa Nhật Bản, ở mức hơn 123%.
Nguồn: IMF
Khoản nợ tương đối cao đã khiến Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) không thể tăng lãi suất cùng lúc với Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác. Lãi suất ngày càng tăng làm chi phí trả nợ tăng, và phức tạp thêm các vấn đề tài chính của đất nước mặt trời mọc.
Trong khi Fed đã nâng lãi suất lên trên 5% kể từ đầu năm 2022, chi phí đi vay chuẩn ở Nhật Bản vẫn gần bằng 0. Như vậy, đồng yên, một trong 5 đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới, đã mất giá mạnh. Chênh lệch lãi suất tác động lớn đến tỷ giá hối đoái tiền pháp định của nước này.
Theo dữ liệu từ TradingView, đồng yên Nhật đã mất giá 50% so với đồng đô la Mỹ kể từ đầu năm 2021. Đồng yên gần đây đã được quy đổi ở mức hơn 155 yên cho 1 đô la Mỹ, chạm mức thấp nhất trong vòng 34 năm qua. Việc bán tháo được cho là lý do khiến BOJ bán đô la để giữ vững mức sàn cho đồng yên, đây là một trong những biện pháp can thiệp thị trường tiền tệ quen thuộc.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68