Sau Hạ viện, đến lượt Thượng viện Mỹ thông báo sẽ tổ chức một phiên điều trần về chủ đề stablecoin trong tháng 2.
Sáng ngày 01/02 (giờ Việt Nam), Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ cho biết sẽ tổ chức một phiên điều trần có tên là “Phân tích Báo cáo của Nhóm cố vấn Tài chính cho Tổng thống Biden về chủ đề Stablecoin” vào ngày 15/02.
Trước đó một tuần, Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ cũng tuyên bố sẽ tổ chức phiên điều trần vào ngày 08/02 cùng về chủ đề “Tài sản kỹ thuật số và Tương lai ngành tài chính: Báo cáo của Nhóm cố vấn Tài chính cho Tổng thống Biden về Stablecoin”.
Hạ viện đã công bố danh sách khách mời tham gia buổi điều trần, gồm những cái tên “cộm cán” trong ngành tiền mã hóa tại Mỹ như CEO Jeremy Allaire của Circle (công ty phát hành stablecoin USDC); CEO sàn FTX Sam Bankman-Fried, CFO Jeanne Haas của sàn Coinbase và CEO Brian Brooks của đơn vị đào tiền Bitfury (người từng là Trưởng văn phòng Quản lý tiền tệ dưới thời Tổng thống Trump). Đây cũng chính là những khách mời đã tham gia phiên điều trần hồi tháng 12 của Hạ viện về tiền mã hóa.
Trong khi đó, Thượng viện vẫn chưa công bố danh sách những nhân vật được mời đến phát biểu tại phiên điều trần. Tuy nhiên, trong buổi điều trần diễn ra vào hôm 14/12 qua, Thượng viện chỉ mời đến những diễn giả ít tên tuổi trong ngành tiền mã hóa, cũng như chủ đề thảo luận xoáy sâu vào những hạn chế của tiền mã hóa và stablecoin.
Cả hai buổi điều trần trong tháng 2 đều sẽ xoáy sâu vào Báo cáo Stablecoin của Nhóm cố vấn Tài chính cho Tổng thống Biden, vốn đã được đăng tải từ đầu tháng 11/2021, như đã được Coincuatui đưa tin. Báo cáo này tiếp tục nêu lên những lo ngại của chính quyền Hoa Kỳ về vấn đề bảo chứng stablecoin, dẫn đến những rủi ro đe dọa ngành tài chính Mỹ và lợi ích của nhà đầu tư, đồng thời khuyến nghị Quốc hội sớm ban hành luật để có thể đưa stablecoin vào khuôn khổ pháp lý.
Mảng pháp lý tiền mã hóa tại Mỹ đang trở nên nóng hơn bao giờ hết trong thời gian qua. Giữa khoảng thời gian Nhóm cố vấn Tài chính đăng tải báo cáo và lưỡng viện tổ chức điều trần trong tháng 12, Tổng thống Biden đã ký ban hành một đạo luật có điều khoản đánh thuế tiền mã hóa và giao cho Bộ Tài chính phải định nghĩa thế nào là “nhà môi giới tiền mã hóa” – khái niệm mơ hồ khiến điều khoản đó bị chỉ trích dữ dội.
Tiếp đến, một cơ quan tài chính sách của Mỹ là Ủy ban Giám sát Ổn định Tài chính (FSOC) khẳng định sẽ tự chủ động hạn chế rủi ro từ stablecoin trong trường hợp Quốc hội chần chừ quá lâu trước vấn đề đó.
Sang đến năm 2022, nhiều nghị sĩ Mỹ đã công bố đề xuất luật của họ để quản lý tiền mã hóa toàn diện. Sở Thuế vụ (IRS) thì mong muốn có thể đánh thuế thu nhập từ hoạt động đầu cơ NFT của nhà đầu tư tiền mã hóa. Còn Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã “hồi sinh” một quy định quản lý ví tiền mã hóa gây tranh cãi và được cho là có thể “bóp chết” ngành crypto tại Mỹ.
Trước sự hỗn loạn về pháp lý tiền mã hóa, Nhà Trắng trong tháng 2 được đồn đoán là có thể sẽ ban hành một mệnh lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan chính phủ phải thống nhất lập trường và tăng cường giám sát lĩnh vực tiền mã hóa.
Ở chiều hướng ngược lại, nhiều ứng viên cho các vị trí trong chính quyền lại đang sử dụng quân bài “tiếp nhận tiền mã hóa” như là lợi thế thu hút cử tri trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay.
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68