Trong số tất cả các ông trùm về tài chính trên toàn thế giới, bất kì ai cũng sẽ được nhắc đến khi tài sản của họ có vài tỷ USD. Tuy nhiên, số tài sản đó vẫn chưa thể so sánh được với những ông trùm thực sự đứng đằng sau 3 cái tên là BlackRock, Vanguard và State Street. Lý do cho việc này rất đơn giản vì trong tay 3 công ty trên đang nắm giữ khoảng 66 nghìn tỷ USD, trong khi đó tổng tài sản đầu tư của thế giới đang là 140 nghìn tỷ USD. Chỉ 1 trong 3 ông lớn này tính riêng đã có thể nắm giữ lượng tài sản ước tính gấp nhiều lần vài quốc gia trên thế giới.
Thế nhưng khác với John Bogle của Vanguard hay Ronald P. O'Hanley của State Street, Larry Fink của BlackRock đã thực sự làm được điều phi thường mà không phải ai cũng làm được. Vậy Larry Fink là ai? Hãy cùng Coincuatui tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Larry Fink là ai? Tiểu sử về ông trùm của các ông trùm trong thế giới tài chính
Larry Fink là người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của BlackRock, quỹ đầu tư đang quản lý khoảng 10 nghìn tỷ USD tài sản bao gồm các quỹ tài trợ, chính phủ, công ty, cá nhân và quỹ hưu trí. Số tài sản này bằng khoảng 10% GDP của thế giới năm 2020. Ngoài ra, BlackRock dưới thời của Larry Fink cũng đã trở thành 1 trong 3 cổ đông lớn nhất, nắm hơn 70% các công ty thuộc rổ S&P 500. Chỉ một động thái nhỏ của Larry Fink cũng có thể khiến thị trường cổ phiếu và chỉ số đảo chiều trong tích tắc.
Chân dung Larry Fink
Larry Fink sinh tháng 11/1952 tại Los Angeles (Mỹ) trong một gia đình trung lưu với cha là một chủ cửa tiệm bán giày và mẹ là giáo sư tại Đại học bang California. Trong suốt thời niên thiếu cũng như đại học, Larry Fink không hề đụng đến những môn học kinh tế chuyên sâu ngoài trừ một số môn cơ bản của chương trình học. Ông chỉ thực sự chú tâm đến kinh tế khi tham dự một lớp học về bất động sản dành cho sinh viên cuối cấp và sau đó là chương trình cao học. Sau khi tốt nghiệp bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học California, Larry Fink ngay lập tức đến Phố Wall với một chiếc túi rỗng và một bộ óc đầy kiến thức.
Năm 1976, Larry Fink đã gia nhập công ty First Boston, một công ty khá tên tuổi trong ngành quản lý tài sản. Tại đây, ông làm việc ở bộ phận giao dịch trái phiếu với công việc cụ thể là quản lý các trái phiếu có tài sản thế chấp. Năm 1978, bằng những nỗ lực của mình, Larry Fink đã được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận này và kiếm về cho công ty hàng tỷ USD. Đến năm 31 tuổi, Larry Fink được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành, trở thành một trong những người trẻ tuổi nhất nắm được vị trí này.
Tuy nhiên, mọi chuyện lại không dễ dàng với Larry Fink, năm 1986, ông và các cộng sự của mình đã gây ra khoản thua lỗ lên đến 100 triệu USD cho công ty và ngay lập tức ông bị sa thải. Nguyên nhân lớn nhất đến từ việc ông đã quá tự phụ và bỏ qua những tín hiệu nhãn tiền của một đợt hạ lãi suất của chính phủ. Hậu quả, ông bị ruồng bỏ dù trước đó đã kiếm về cho công ty hàng tỷ USD. Đây không chỉ là thất bại mà còn là một bước đệm để Larry Fink có thể kiểm điểm bản thân cũng như bước chân lên chiếc ghế quyền lực của BlackRock sau này.
Năm 1988, sau 2 năm rời khỏi First Boston, Larry Fink cùng Rob Kapito và 6 người khác, đều là đồng nghiệp cũ tại First Boston, đã cùng nhau thành lập BlackRock Financial Management dưới sự bảo trợ của tập đoàn Blackstone. Trong suốt thời gian thành lập và phát triển trước khi tách ra hoạt động độc lập, BlackRock Financial Management đã từng bước chinh phục thị trường tài chính, tính đến năm 1994, BlackRock đang quản lý hơn 20 tỷ USD tài sản.
Sau khi hoàn toàn tách khỏi Blackstone, Larry Fink vẫn giữ chức vụ giám đốc điều hành và cho ra đời những sản phẩm mang tính chiến lược, đem đến cho BlackRock vị thế độc tôn trong ngành quản lý quỹ. Cụ thể, năm 1999, BlackRock ra mắt nền tảng quản lý rủi ro mang tên Aladdin, các khách hàng là công ty vô cùng ưa chuộng nền tảng này và đến nay nó đang quản lý hơn 20 nghìn tỷ USD tài sản. Sau đó, đến năm 2009, BlackRock dưới sự chỉ đạo và thực hiện của Larry Fink và Rob Kapito đã tham gia vào một thương vụ thế kỷ, thứ đã mang cái tên BlackRock lên sánh ngang hàng với Vanguard và Three State.
Cụ thể, năm 2009, sau khi cuộc khủng hoảng vay nợ dưới chuẩn diễn ra, kinh tế Mỹ lúc này đang hỗn loạn hơn bao giờ hết. Ngân hàng Lehman Brothers vừa mới sụp đổ và trở thành chiếc bánh khổng lồ để các công ty khác xâu xé. Một trong những cái tên đó chính là Barclays, nhưng thương vụ mua lại Lehman Brothers cũng không phải là thương vụ thành công vì công ty này không có đủ nguồn lực để cơ cấu lại các khoản nợ của Lehman Brother. Do đó, họ buộc phải bán mình cho một tư bản khác để tránh việc bị chính phủ Anh can thiệp. Lúc này có 2 bên đang thực sự thèm khát mảng kinh doanh quỹ ETF mang tên iShares của Barclays đó chính là BlackRock của Larry Fink và CVC, công ty chứng khoán tư nhân có trụ sở tại London.
Về bản chất, Barclays đã đạt được thỏa thuận bán lại mảng kinh doanh này cho CVC vào đầu tháng 04/2009 tuy nhiên trong điều khoản của hợp đồng đó cũng nêu rõ rằng trong vòng 45 ngày kể từ khi hợp đồng được ký kết, Barclays có quyền từ chối CVC và bán mình cho một đơn vị khác trả giá cao hơn. Đây chính là lúc Rob Kapito và BlackRock chen chân vào thương vụ đó. Ngày 16/04/2009, Rob Kapito đã đích thân bay đến New York để gặp Bod Diamond, giám đốc điều hành Barclays trong trận bóng chày kinh điển giữa Yankee Stadium và Cleveland Indians. Kết quả của ngày hôm ấy, đội chủ nhà đã thua thảm hại nhưng trên khán đài, một thương vụ sáp nhập mang tính chiến lược đã được ký kết và Rob Kapito là người duy nhất chiến thắng ngày hôm đó.
Chỉ vài hôm sau cuộc gặp của Rob Kapito, giới thượng tầng của Barclays và ông chủ của BlackRock đã đi đến kết quả là sự hợp nhất của 2 công ty là BlackRock và mảng kinh doanh BGI. Hai tháng sau đó, họ công bố thông tin này ra thế giới với trị giá thương vụ lên đến 13,5 tỷ USD. Chính từ đây, cái tên BlackRock đã thực sự bước chân ra ánh sáng, sau thương vụ trên, công ty này trở thành công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới với đa dạng khách hàng từ tù nhân đến các chính khách và tỷ phú trên toàn thế giới.
Khi khủng hoảng kinh tế năm 2008 nổ ra, gần như tất cả các thực thể tài chính của Mỹ đều bị động và không biết phải ứng phó như thế nào với những khoản nợ khổng lồ này. Do vậy, Chủ tịch Fed lúc đó là Tim Geither và Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson đã nhờ đến sự giúp đỡ của Larry Fink.
Cả 2 quan chức đều muốn Bear Stearns được JPMorgan Chase tiếp quản vì thực thể này đủ sức gồng gánh khoản nợ trên. Tuy nhiên, phía công ty này lại lo sợ rằng số tài sản mà Bear Stearns đang thế chấp có thể biến thành hư không. Lúc này hình thành thế tiến thoái lưỡng nan giữa 2 bên mà không ai có thể tìm ra lời giải ngoài trừ Larry Fink. Giải pháp của ông rất đơn giản đó chính là thành lập một công ty được tài trợ bởi FED, nơi có thể hấp thụ các tài sản xấu của Bear Stearns để JPMorgan Chase có thể hấp thụ tài sản còn thanh khoản. Giải pháp này của Larry Fink không những giúp JPMorgan Chase lượt bỏ những khoản nợ xấu mà nó còn giúp đặt những tài sản rủi ro dưới sự giám sát của Larry Fink và chính phủ Mỹ.
Quay trở lại tháng 3 năm 2020, khi nước Mỹ đang phải oằn mình chống chọi với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid thì các thị trường tài chính từ cổ phiếu, chứng khoán và trái phiếu liên tục sụt giảm nghiêm trọng. Khi đó, trong một cuộc họp ở Phòng bầu dục, câu hỏi được đưa ra đó chính là nên bơm bao nhiêu tiền để cứu nền kinh tế và khi nào chính phủ có thể hút lại lượng tiền này, chỉ một người trong cuộc họp đó có câu trả lời và giải pháp. Cụ thể, chính phủ Mỹ đã bơm hơn 2000 tỷ USD ra thị trường trái phiếu thông qua một đơn vị của BlackRock, việc này nhằm giữ lượng tiền đó lưu thông ở kênh trái phiếu doanh nghiệp. Sau khi tình hình ổn định, FED sẽ mua lại những quỹ trái phiếu này và gián tiếp hút ngược số tiền trên trở về túi của mình.
Bên trên là những thông tin về Larry Fink cũng như những điều mà ông đã gặt hái được trong suốt quá trình hình thành và phát triển BlackRock. Thông qua bài viết, hy vọng Coincuatui đã mang đến cho người đọc góc nhìn tổng quan nhất về Larry Fink cũng như những thành công và sức ảnh hưởng của ông.
Nguồn: Coin68