Jim Cramer là một nhà đầu tư, người dẫn chương trình truyền hình Mad Money vô cùng nổi tiếng người Mỹ. Tuy luôn đưa ra những nhận định gần và tương đối đúng về thị trường nhưng khác với các nhà đầu tư khác, Jim luôn thận trọng với tất cả những nước đi của mình. Vậy Jim Cramer là ai? Hãy cùng Coincuatui tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Jim Cramer là ai? Tiểu sử về một trong những sói già đầu tiên của phố Wall
Jim Cramer là người dẫn chương trình nổi tiếng người Mỹ, công chúng thường biết đến ông thông qua vai trò MC của chương trình về đầu tư mang tên "Mad Money" của đài CNBC.
Jim Cramer sinh ngày 10/2/1955 tại Pennsylvania, Philadelphia, Mỹ trong một gia đình có mẹ là người hoạt động nghệ thuật và bố là một chủ doanh nghiệp bao bì và đóng gói. Tuy được sống trong một gia cảnh khá giả nhưng Jim đã tự lực cánh sinh từ rất sớm bằng công việc bán kem dạo tại sân vận động Veterans trong các trận đấu bóng chày.
Chân dung Jim Cramer
Nghiệp làm báo của Jim đã bắt đầu từ rất sớm ngay từ khi ông còn ngồi trên ghế giảng đường tại Harvard. Tại đây, Jim giữ chức chủ tịch kiêm tổng biên tập của tờ Harvard Crimson. Tuy nhiên, công việc đầu tiên mà Jim làm sau khi tốt nghiệp lại không liên quan đến báo chí mà nó lại là công việc môi giới chứng khoán tại ngân hàng Goldman Sachs.
Sau khi tốt nghiệp bằng cử nhân và lấy bằng tiến sĩ luật tại Harvard năm 1984, Jim tiếp tục làm việc tại Goldman Sachs trong 3 năm và sau đó thành lập quỹ đầu cơ của riêng mình mang tên Cramer & Co. Tại đây Jim chịu trách nhiệm cho hầu hết các khoản đầu tư của quỹ này cho đến khi ông nghỉ hưu năm 2001. Trong suốt 13 năm điều hành, Cramer & Co chỉ ghi nhận duy nhất 1 năm lợi nhuận âm.
Dưới sự điều hành của Jim, Cramer & Co có mức lợi nhuận trung bình hàng năm là 24% và mang về mức lợi suất ổn định là hơn 10 triệu USD một năm. Tiếp đó, năm 1996, Jim thành lập TheStreet.com, một trang tin cung cấp các góc nhìn về thị trường chứng khoán cũng như những lời khuyên đầu tư. Tại đây, Jim đã đạt được cột mốc đầu tiên trong chuỗi những thành công của mình khi công ty này từng đạt vốn hoá thị trường lên đến hơn 1 tỷ USD.
Logo TheStreet
Tiếp sau đó, năm 2005, Jim bắt đầu sự nghiệp truyền hình với chương trình Mad Money được phát trên kênh CNBC. Đây là chương trình cung cấp cho người xem những góc nhìn đầy thú vị về thị trường chứng khoán. Rating của chương trình này luôn tăng trưởng đều đặn qua 10 năm qua, giúp Jim gặt hái được sự nổi tiếng cũng như giàu có. Nhưng thành công của quỹ Cramer & Co không chỉ đến từ may mắn mà nó còn đến từ sự kỷ luật của Jim trong cuộc chơi của tiền.
Logo chương trình Mad Money
"Tôi đã mất số tiền lớn trên nhiều thị trường khác nhau, nhưng đó là những bài học để tôi trở nên hoàn thiện hơn trong công việc chứ không phải điều tồi tệ”. Đây là chia sẻ của Jim sau quá trình đầu tư và tích lũy tài sản qua hàng thập kỷ. Đối với những nhà đầu tư như Jim, việc thua lỗ là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên cách mà Jim ứng xử với thất bại của mình đã phần nào khắc hoạ nên một nhà quản lý quỹ như hiện tại.
Mặc dù thành công trên thương trường nhưng là một người làm truyền thông, Jim cũng không ít lần phải nhận về những chỉ trích. Năm 2005, trong một số phát sóng của Mad Money trên CNBC, Jim đã khuyên người xem nên đầu tư vào một công ty nhỏ đầy tiềm năng. Tuy nhiên, sau đó các chuyên gia đã chỉ ra rằng, ở thời điểm phát sóng, Jim đã nắm giữ một lượng lớn cổ phần của công ty này và kiếm được vài triệu USD sau đó khi nhiều nhà đầu tư nghe theo và mua cổ phiếu trên. Ở một lần khác, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trước năm 2005, quỹ Cramer & Co tuy có lợi nhuận dương nhưng chưa bao giờ đánh bại được S&P 500 và rằng thành công của quỹ này đang bị làm quá lên so với sự thật.
Trong một buổi phỏng vấn với chương trình “MONEY TALKS WITH JIM CRAMER” trên kênh CNBC, Jim đã chia sẻ rằng bản thân ông cũng đang sở hữu một số loại tiền mã hoá. Việc này vô cùng tình cờ bởi một lần tham gia đấu giá NFT để gây quỹ từ thiện, Jim phải mua NFT bằng Ethereum thay vì tiền mặt. Do hiếu kỳ nên ông đã tìm hiểu và nhận ra những tiềm năng to lớn mà tiền mã hóa mang đến cho thị trường.
"Họ không cho tôi mua nó bằng USD nên tôi phải mua nó bằng Ethereum. Vì thế tôi đã tìm hiểu và phát hiện ra những tính năng thú hút cá nhân tôi."
Bên cạnh đó, Jim cũng không quên nhắc nhở những nhà đầu tư về việc không nên sử dụng đòn bẩy tài chính trong khi đầu tư tiền mã hoá. Mà thay vào đó, hãy sử dụng số tiền mà người dùng có thể mất để đầu tư. Vì bởi lẽ chúng ta đều biết, việc vay tiền để đầu tư tiền mã hoá không khác gì chơi một canh bạc mà trong đó khả năng thắng sẽ luôn thuộc về nhà cái.
"Hãy mượn tiền để mua nhà và mua xe - chứ đừng vay tiền để mua crypto".
Bên trên là những thông tin thú vị về cuộc đời, sự nghiệp và những lời khuyên của Jim Cramer dành cho nhà đầu tư. Hy vọng thông qua bài viết, người đọc đã có một cái nhìn tổng quan về Jim cũng như những thành tựu mà ông đã đạt được trong suốt sự nghiệp quản lý quỹ và làm truyền thông.
Nguồn: Coin68