Với giấy phép mới nhất, Circle sẽ được phát hành các stablecoin USDC và EURC theo khuôn khổ Luật MiCA của Châu Âu kể từ ngày 01/07/2024.
Circle có được giấy phép stablecoin đầu tiên theo luật MiCA
Theo thông tin mới nhất chia sẻ bởi Giám đốc điều hành Jeremy Allaire, Circle đã trở thành nhà phát hành stablecoin toàn cầu đầu tiên được cấp phép và phê duyệt bởi Tổ chức Tiền Điện tử (EMI) theo khuôn khổ Luật Thị trường Tài sản Tiền mã hóa (gọi tắt là MiCA) của Liên minh Châu Âu (EU).
Động thái này diễn ra sau nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động của Circle để tuân thủ quy định trong lĩnh vực stablecoin. Gần nhất vào tháng 12, Circle đã nhận được giấy phép quản lý tài sản kỹ thuật số ở Pháp, và chính thức trở thành nhà điều hành hoạt động dịch vụ tài sản kỹ thuật số tại "đất nước hình lục lăng" này.
Với giấy phép mới nhất, Circle sẽ có thể phát hành các stablecoin USDC và EURC (trước đây là EUROC) tuân thủ MiCA tại Châu Âu dưới sự điều hành của chi nhánh Pháp (Circle Mint France), đồng thời chiếm vị trí thuận lợi trong việc "giành" thị phần trong khối 27 quốc gia EU với 450 triệu người đang sinh sống.
BREAKING NEWS: @Circle announces that USDC and EURC are now available under new EU stablecoin laws; Circle is the first global stablecoin issuer to be compliant with MiCA. Circle is now natively issuing both USDC and EURC to European customers effective July 1st.
— Jeremy Allaire - jda.eth (@jerallaire) July 1, 2024
Details… pic.twitter.com/isNBumoi3e
Như Coincuatui đã đưa tin, MiCA là một khuôn khổ pháp lý toàn diện do EU thiết lập để tạo ra sự thống nhất trong việc quản lý tiền mã hóa giữa các thành viên quốc gia trong khu vực. Được khởi xướng từ tháng 09/2020, MiCA yêu cầu Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thiết lập các quy tắc thống nhất dành cho các nhà cung cấp và tổ chức phát hành tài sản tiền mã hóa ở EU, và đã chính thức được Nghị viện Châu Âu thông qua vào 04/2023.
Là một phần của khuôn khổ, MiCA yêu cầu các stablecoin được phát hành trong khu vực phải vượt qua các yêu cầu quản lý khắt khe với nhiều điều khoản hiện đang được áp dụng dần dần theo thời gian, với yêu cầu bắt đầu tuân thủ trên mọi khía cạnh từ ngày 30/06/2024.
Bên cạnh đó, các nhà phát hành stablecoin hoạt động bên ngoài EU nhưng cung cấp dịch vụ cho cư dân EU cũng sẽ cần tuân thủ các quy định của MiCA. Điều này dẫn tới quyết định hủy niêm yết hoặc giới hạn truy cập một số đồng stablecoin tại Châu Âu như Binance mới đây nhằm "dọn đường" đón MiCA.
Quan điểm rõ ràng của MiCA về stablecoin được thúc đẩy bởi sự thất bại trong sản phẩm tương tự của hàng loạt công ty công nghệ lớn như dự án Diem (trước đây là Libra) của Meta (tên cũ Facebook), hay từ sụp đổ của FTX.
Tuy nhiên, một số nhà phát hành stablecoin cũng bày tỏ lo ngại về cách MiCA áp dụng. CEO Tether Paolo Ardoino cho rằng, các quy định trong luật MiCA với stablecoin có nhiều yêu cầu gây rắc rối, không chỉ làm cho quá trình phát hành stablecoin trở nên phức tạp hơn mà còn khiến cho stablecoin được coi là an toàn của EU trở nên rủi ro hơn khi đi vào hoạt động. Trong blog mà Binance đăng tải, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới cũng cho rằng luật MiCA sắp tới có thể đặt ra thách thức về "nhu cầu thanh khoản của toàn bộ thị trường crypto.”
USDC là stablecoin được neo giá với đô la Mỹ lớn thứ hai thị trường tiền mã hóa - chiếm 20% tổng nguồn cung stablecoin - chỉ sau USDT của Tether tính đến ngày 29 tháng 6, theo dữ liệu từ TheBlock Data.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68