Đây là lần thứ 4 trong năm nay, chính quyền Thái Lan tiến hành đột kích một cơ sở khai thác Bitcoin trái phép tại tỉnh Ratchaburi.
Chính quyền Thái Lan triệt phá cơ sở đào Bitcoin bất hợp pháp
Ngày 23/08 vừa qua, chính quyền Thái Lan đã bất ngờ đột kích 1 cơ sở khai thác Bitcoin trái phép tại tỉnh Ratchaburi, Bangkok sau khi liên tục nhận được khiếu nại từ người dân về tình trạng mất điện không rõ nguyên nhân kéo dài trong hơn 1 tháng qua.
Sĩ quan an ninh trưởng Jamnong Chanwong cho biết nhóm của ông đã cố gắng tiếp cận ngôi nhà vào ngày 22/08, nhưng bị từ chối bởi một người bảo vệ. Sau đó, họ quay lại với lệnh khám xét và phát hiện rằng phần lớn các thiết bị đã được di dời.
Tuy nhiên, họ vẫn phát hiện một số giàn máy đào Bitcoin còn sót lại, liên kết với thông tin ngôi nhà này tiêu thụ lượng điện khổng lồ nhưng chỉ thanh toán một khoản rất nhỏ dẫn đến kết luận về khả năng tổ chức này đã đánh cắp điện để phục vụ hoạt động khai thác trái phép. Ông Chanwong cho biết:
"Tổ chức này đã thuê ngôi nhà khoảng bốn tháng trước, trùng khớp với thời điểm các sự cố mất điện bất thường bắt đầu xảy ra khi hệ thống khai thác được vận hành hết công suất."
Không có bất kì đối tượng nào được bắt giữ trong cuộc đột kích này và cuộc điều tra vẫn đang được tiếp tục để làm rõ thêm các tình tiết liên quan. Các nhà chức trách nghi ngờ rằng những kẻ điều hành đã nhanh chóng bỏ trốn sau khi nhận ra hoạt động của chúng lọt vào "tầm ngắm" của cơ quan chức năng.
Việc các thợ đào Bitcoin tại Thái Lan được coi như những nhà sản xuất và phải chịu các loại thuế liên quan khiến tình trạng khai thác trái phép vẫn không ngừng gia tăng tại xứ sở chùa vàng trong suốt nhiều năm qua.
Không chỉ riêng Thái Lan, vấn nạn đào Bitcoin trái phép đã và đang trở thành một cơn đau đầu đối với các quốc gia Đông Nam Á. Tại Malaysia, các hoạt động khai thác trái phép đã đánh cắp lượng điện trị giá hơn 723 triệu USD trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2023. Trước tình hình đó, chính quyền Malaysia đã có những biện pháp cứng rắn, bao gồm việc tiêu hủy 985 máy đào Bitcoin "câu trộm điện".
Mặc dù Thái Lan được xem là quốc gia có lập trường thân thiện hơn với tiền mã hóa so với một số nước láng giềng, sự việc lần này cho thấy những thách thức mà quốc gia này đang đối mặt trong việc quản lý một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ hơn của chính quyền trong lĩnh vực này.
Gần đây, SEC Thái Lan đã công bố thành lập "sandbox” nhằm điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phát triển các dịch vụ tiền mã hoá tại đất nước này.
Bên cạnh đó, chính phủ Thái Lan còn áp dụng chính sách miễn thuế 15% trên lãi vốn từ crypto nhằm khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài vào quốc gia thông qua tiền mã hóa. Đồng thời, Thái Lan cũng mở cửa cho các quỹ lớn và những cá nhân có tài sản ròng cao đầu tư vào các quỹ ETF niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
Thái Lan đã nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của các dự án crypto khi được ApeCoin lựa chọn làm nơi để đề xuất mở khách sạn và đăng cai tổ chức các sự kiện lớn như Hội nghị Web3 của CoinGecko và Hội nghị Devcon 7 của Ethereum vào tháng 11 tới. Những bước tiến này không chỉ phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của các tổ chức crypto đối với Thái Lan mà còn khẳng định vị thế của quốc gia này như một trung tâm tiền mã hóa hàng đầu tại Đông Nam Á.
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68