Kể từ khi tiền tệ ra đời tới nay chúng ta đã được chứng kiến nhiều hình thái của nó từ tiền kim loại, tiền xu, tiền giấy tới tiền số trong hệ thống ngân hàng. Một hình thái tiếp theo của tiền tệ đang được các quốc gia nghiên cứu những năm qua là đồng tiền kỹ thuật số hay còn được biết đến là tiền mã hoá.
Trong bài viết này, Coincuatui sẽ cập nhật tình hình phát triển đồng tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC) của các nước trên thế giới.
Cập nhật tình hình phát triển CBDC của các quốc gia
CBDC là viết tắt của Central Bank Digital Currency,một loại tiền kỹ thuật số được phát hành và quản lý bởi Ngân hàng Trung Ương của một quốc gia.
CBDC là sự kết hợp của cả hai loại tiền mã hoá (crypto) và tiền pháp định (fiat). Một mặt CBDC vừa phản ánh sức mạnh của nền kinh tế thông qua giá trị của nó tương tự fiat, một mặt nó lại có các đặc tính như các loại tiền mã hoá khác.
Tuỳ theo nhu cầu và sự cởi mở của từng quốc gia mà các đồng CBDC sẽ được thiết kế theo cách khác nhau. Nhưng nhìn chung một đồng tiền CBDC sẽ mang lại hiệu quả cao về mặt giảm ma sát dòng tiền trong nền kinh tế.
Công thức định lượng tiền tệ. Sự tăng lên của V sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế
Điều này được thực hiện nhờ vào dòng chảy liền liền mạch của hệ thống blockchain. Người dùng không cần chuyển đổi tiền thành các định dạng khác như Tiền mặt, Ngân hàng, Ví điện tử,.... Cũng cần biết thêm rằng, để đạt được tính hiệu quả cao cần sự triển khai đồng bộ giữa hệ thống nền tảng là Ngân hàng Trung ương, ngân hàng thương mại, điểm bán và sự chấp nhận của người dùng đầu cuối.
Ngoài ra một ưu điểm lớn khác cần nhắc tới của CBDC là cải thiện vấn đề niềm tin của nhân dân với tiền tệ quốc gia. Blockchain hoá khiến mọi thứ trở nên minh bạch, từng khoản in mới, thu hồi hay chi tiêu bất kỳ đều minh bạch trên mạng lưới.
Bên cạnh đó vấn đề bảo mật hạ tầng cũng là khó khăn mà các quốc gia cần giải quyết trước khi đưa đồng tiền kỹ thuật số quốc gia vào thực tế. Câu chuyện CBDC có thể ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế đất nước nên việc phát triển và sử dụng cần phải thận trọng và chắc chắn.
Trên thực tế CBDC đã được các quốc gia nghiên cứu từ rất lâu. Uruguay và Phần Lan đã bắt đầu nghiên cứu CBDC từ những năm 2014. Cho đến hiện tại đã có 130 quốc gia trên tổng số 195 quốc gia toàn cầu nghiên cứu lĩnh vực này.
Sự phát triển của CBDC được chia thành 4 giai đoạn chính:
Bản đồ phát triển CBDC. Nguồn: CBDC Tracker (tháng 12/2023)
Theo dữ liệu từ Atlantic Council đến cuối năm 2023, đã có 130 quốc gia đã triển khai nghiên cứu CBDC trên tổng số 195 quốc gia trên thế giới. 130 quốc gia này chiếm 98% GDP toàn cầu, tăng gấp 4 lần so với mức 35 quốc gia vào tháng 5 năm 2020.
Trong số đó, có 11 quốc gia đã triển khai toàn diện CBDC bao gồm: Bahamas (Sand Dollar), Jamaica (JAM-DEX), Nigeria (e-Naira), Khu vực kinh tế Đông Caribbean gồm 7 quốc gia (DCash).
Tình hình phát triển CBDC các quốc gia trên thế giới. Nguồn: Atlantic Council (tháng 12/2023)
Số lượng quốc gia đang ở giai đoạn triển khai thí điểm là 21, điều thú vị là đa phần các quốc gia này đều chủ yếu thuộc khu vực Châu Á. Các quốc gia phát triển nhất Châu Á đều góp mặt trong danh sách này: Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ,…
Bản đồ các quốc gia đang triển khai thí điểm CBDC. Nguồn: CBDC Tracker (tháng 12/2023)
Phần lớn các quốc gia khác đang ở giai đoạn nghiên cứu (46 quốc gia) và thực nghiệm (32 quốc gia). Những cái tên nổi bật bao gồm: Hoa Kỳ, Khối Châu Âu, Brazil, Argentina, Indonesia, Philippines.
Việt Nam chúng ta hiện đang ở giai đoạn nghiên cứu trên bản đồ CBDC thế giới. Thông tin được cập nhật dựa trên Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
CBDC có lẽ sẽ là bước phát triển tiếp theo của tiền tệ thế giới khi mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng tuyên bố ủng hộ cho phong trào này.
Phần dưới đây, chúng ta sẽ đi tìm hiểu chi tiết hơn về tình hình phát triển CBDC tại một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới.
Trong khi CBDC lần đầu tiên được Vitalik Buterin nhắc tới năm 2016 với cái tên “Fedcoin” và được các quốc gia khác triển khai thử nghiệm từ nhiều năm trước thì tới hiện tại, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ vẫn đang thận trọng từng bước nghiên cứu.
Trong một bài phát biểu của Lael Brainard, Phó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), tuyên bố cơ quan này sẽ cần được cả Nhà Trắng và Quốc Hội thông qua để đi đến việc phát hành một đồng CBDC.
Hồi tháng 4 năm 2023, Uỷ ban Dịch vụ tài chính Hạ viện đã công bố một dự thảo luật mới liên quan tới việc phát triển đồng tiền kỹ thuật số Hoa Kỳ. Trong dự luật có đề cập đến việc giao cho Cục Dự trữ Liên bang phụ trách stablecoin phi ngân hàng, cho phép chính phủ thiết lập tiêu chuẩn tương tác stablecoin và chỉ đạo Fed nghiên cứu CBDC.
Tới tháng 7, Fed ra mắt FedNow, một dịch vụ thanh toán tức thì, tuy rằng họ phủ nhận có liên quan tới tiền kỹ thuật số nhưng giới phân tích vẫn tin rằng hệ thống này có thể là nền móng trong việc xây dựng hạ tầng cần thiết cho đồng CBDC tại Mỹ.
Nhìn chung, Mỹ luôn có những bước đi cẩn thận nhưng cũng đầy toan tính trong việc phát triển một đồng tiền kỹ thuật số quốc gia.
Một trong bộ 3 đối trọng kinh tế toàn cầu Mỹ - Nga - Trung là Nga cũng đã thông qua dự luật về đồng rúp kỹ thuật số.
Theo tài liệu chính thức của chính phủ được công bố vào tối ngày 24/07/2023, Nga sẽ tiến hành triển khai đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) khi Tổng thống Vladimir Putin chính thức đặt bút ký thông qua Dự luật đồng Rúp (RUB) kỹ thuật số, đánh dấu cột mốc lịch sử tài chính của đất nước.
Đồng rúp kỹ thuật số dự kiến sẽ trở thành một dạng tiền thứ ba ở Nga, bên cạnh tiền mặt và đồng rúp thanh toán trực tuyến. Theo thông báo của bà Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, công dân Nga sẽ không bị ép buộc sử dụng CBDC và việc sử dụng đồng rúp kỹ thuật số sẽ là một lựa chọn tự nguyện mà cá nhân tự quyết định.
Từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nhu cầu sử dụng crypto tại Nga đã tăng mạnh, hợp thức hoá crypto và ra mắt đồng tiền kỹ thuật số quốc gia là một bước đi mạnh mẽ của Nga để giúp dòng tiền lưu chuyển trên thị trường quốc tế dễ dàng hơn.
Không giống như Mỹ với những bước đi thận trọng hay Nga được chính phủ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực crypto và CBDC. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc lại có những bước đi “không giống ai”. Một mặt họ vẫn cấm vận hoạt động đào và không hợp pháp hoá crypto nhưng một mặt họ lại khuyến khích phát triển web3 và triển khai thí điểm CBDC trên diện rộng.
Chương trình thí điểm CBDC của Trung Quốc đã cận hơn 260 triệu người với hơn 200 dịch vụ tích hợp, bao gồm giao thông công cộng, thương mại điện tử và các gói kích cầu nền kinh tế.
Ngày 19/10/2023 vừa rồi e-CNY - đồng CBDC của Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên được sử dụng để thanh toán cho đơn hàng 1 triệu thùng dầu mỏ. Ngoài ra e-CNY của Trung Quốc cũng đã được tích hợp vào một số ngân hàng quốc tế như Standard Chartered, HSBC, Hang Seng Bank, Fubon Bank.
Hồi giữa năm Bắc Kinh cũng đã phát hành một bản whitepaper về đổi mới và phát triển web3. Tài liệu khẳng định công nghệ web3 là "xu thế tất yếu cho sự phát triển của lĩnh vực Internet trong tương lai".
Không thể ngồi yên trước phong trào phát triển của CBDC, Ngày 18/10/2023, hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tuyên bố sẽ bắt đầu “giai đoạn chuẩn bị” cho dự án đồng euro kỹ thuật số sau hai năm nghiên cứu.
Bắt đầu từ ngày 01/11/2023, giai đoạn chuẩn bị này sẽ kéo dài hai năm và tập trung vào việc hoàn thiện các quy tắc cho đồng tiền kỹ thuật số, cũng như lựa chọn các tổ chức phát hành. ECB cũng cho biết giai đoạn tiếp theo sẽ bao gồm “thử nghiệm và thực nghiệm” theo phản hồi của người dùng cũng như các yêu cầu của ngân hàng trung ương.
Anh là quốc gia đã rời bỏ khối liên minh Châu Âu từ năm 2017 mới đây cũng được cho là đang phát triển đồng CBDC của riêng họ.
Bên cạnh CBDC, Anh cũng đang tất bật thiết lập khung pháp lý mới nhằm biến họ trở thành một trung tâm crypto thực thụ. Từ việc bỏ phiếu ủng hộ thêm crypto vào "Dự luật Thị trường và Dịch vụ Tài chính" cho đến gần nhất là chính sách miễn thuế tiền mã hóa cho người nước ngoài khi sử dụng các nhà quản lý hoặc môi giới địa phương.
Châu Á là một trong những khu vực có mức độ chấp nhận crypto mạnh mẽ nhất thế giới. Trong danh sách 10 cái tên có mức độ phổ cập crypto nhất thế giới thì Châu Á chiếm 6/10: Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Pakistan và Thái Lan.
Không có gì lạ khi Châu Á cũng là một trong những khu vực có mức độ phát triển của CBDC mạnh mẽ. Đa phần, các quốc gia Châu Á đều đã tiến tới giai đoạn triển khai thí điểm hoặc thực nghiệm.
Một số nền kinh tế lớn ngoài Trung Quốc đã được đề cập bên trên có thể kể đến là:
Phần lớn các quốc gia Châu Mỹ đều đã bắt tay vào nghiên cứu đồng tiền kỹ thuật số quốc gia. Brazil, Canada đang ở giai đoạn thực nghiệm, Hoa Kỳ, Argentina, Peru, Chile, Colombia, Mexia đang ở giai đoạn nghiên cứu, mới chỉ có Uruguay là triển khai thí điểm.
Nigeria là quốc gia Châu Phi đầu tiên triển khai CBDC toàn diện, đồng e-Naira được chính thức sử dụng từ tháng 10/2021. Theo phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Nigeria, số lượng ví e-Naira đã tăng hơn 12 lần lên 13 triệu kể từ tháng 10 và giá trị giao dịch đã tăng 63% lên 22 tỷ naira (48 triệu USD) trong năm nay.
Bên cạnh Nigeria, Ghana, Tunisia là hai quốc gia Châu Phi tiếp theo tích cực phát triển đồng CBDC, hiện tại đang ở giai đoạn triển khai thí điểm. Ngoài ra còn 12 quốc gia Châu phi khác đang ở giai đoạn nghiên cứu như Ai Cập, Algeria, Nam Phi, Madagascar.
Tại Australia đang nghiên cứu cùng lúc 3 dự án CBDC gồm eAUD, Mandala và Project Atom.
Sau nhiều năm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thì có lẽ chính phủ các quốc gia đã bắt đầu nhìn nhận CBDC theo chiều hướng tích cực hơn. Cùng với sự phát triển của các bộ luật cho thị trường tiền mã hoá, CBDC sẽ ngày càng phát triển và trở thành xu hướng mới cho hệ thống tiền tệ thế giới.
Chúng ta sẽ không còn cần chờ đợi quá lâu để bắt đầu sử dụng CBDC như một loại tiền tệ thông thường.
Kudō
Nguồn: Coin68