Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh chính quyền Mỹ sẽ không giải cứu Silicon Valley Bank, như đã từng làm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Phát biểu trong chương trình truyền hình “Face The Nation” của đài CBS ngày 12/03, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã bác bỏ khả năng chính phủ giải cứu ngân hàng Silicon Valley Bank. Nữ bộ trưởng phân trần:
“Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm xưa (2008), đã có những nhà đầu tư và chủ sở hữu ngân hàng lớn được cứu trợ. Tuy nhiên, không đồng nghĩa rằng chúng tôi sẽ làm điều đó thêm một lần nữa. Chúng tôi lo ngại về những người gửi tiền và đang tập trung đáp ứng nhu cầu của họ.”
Trong cuộc phỏng vấn cùng ngày với NBC, thượng nghị sĩ Robert Menendez của đảng Dân chủ cũng nêu rõ lập trường không ủng hộ chính phủ cứu giúp SVB.
Bà Yellen cùng nhiều quan chức khác vẫn tự tin rằng “hệ thống ngân hàng Mỹ thực sự an toàn và đủ năng lực để ứng phó”, đã tăng cường sức chống chịu nhờ những quy định mới trong kiểm soát và dòng vốn từ sau cuộc khủng hoảng 2008 cùng những thách thức trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19.
Bà Yellen nói với đài CBS:
“Chúng tôi muốn đảm bảo những rắc rối tồn tại ở một ngân hàng không thể lây lan xấu ra cho những nhà băng đang ổn định khác.”
Như Coincuatui đã đưa tin, đối mặt với khủng hoảng vốn và tình trạng khách hàng ồ ạt rút tiền đột ngột, Silicon Valley Bank (SVB) đã phá sản vào sáng ngày 10/03 và được cơ quan Mỹ tiếp quản.
Đây là vụ phá sản lớn nhất của một nhà băng Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Được thành lập vào năm 1983, SVB chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các startup công nghệ ở Thung lũng Silicon và là ngân hàng thương mại lớn thứ 16 nước Mỹ với 209 tỷ USD tài sản (tính đến cuối năm 2022).
SVB sau đó bị giao lại cho Tập đoàn Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC). Cơ quan này sẽ đứng ra thanh lý tài sản ngân hàng để trả tiền cho người gửi và chủ nợ của SVB.
Thị trường chứng khoán Mỹ và lẫn ngành tiền mã hóa đã có nhiều “pha thót tim” trong 48 giờ qua. Nhiều ông lớn đã công khai mức độ tiếp xúc với Silicon Valley Bank. Trong đó, sàn Binance, các công ty stablecoin Paxos, Tether và sàn Bybit đều khẳng định không bị liên đới từ SVB hay Silvergate Bank, ngân hàng “thân thiện với crypto” cũng đã ”tự nguyện thanh lý tài sản” trong tuần rồi. Mặt khác, nền tảng lending đã phá sản là BlockFi lại thừa nhận bị mắc kẹt 227 triệu USD tại ngân hàng. Thiệt hại nặng nề nhất đến hiện tại phải kể đến Circle – đơn vị phát hành USDC, với 3,3 tỷ USD.
Theo Bloomberg, FDIC và Cục Dự trữ liên bang (Fed) đang xem xét thành lập một quỹ đặc biệt để trấn an người dùng, đảm bảo tiền gửi tại các ngân hàng gặp rắc rối sau vụ phá sản của SVB. FDIC chỉ bảo hộ và cho lấy lại 100% đối với các khoản tiền gửi từ 250.000 USD trở xuống, song các khoản cao hơn – chiếm 85% số tài khoản của SVB – đang đứng trước nguy cơ mất trắng.
Ngoài ra, FDIC đã bắt đầu chạy đua bán đấu giá Silicon Valley Bank để hoàn trả tiền gửi không được bảo hiểm cho khách hàng. Nguồn tin của Bloomberg cho biết giá thầu cuối cùng sẽ được ấn định trong chiều ngày 13/03 (giờ Mỹ).
Coincuatui tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn: Coin68