“Ông lớn” BlackRock đang muốn gia tăng thêm công dụng cho token BUIDL thông qua động thái mời gọi các sàn crypto chấp nhận nó làm tài sản thế chấp.
BlackRock muốn các sàn crypto chấp nhận token BUIDL làm tài sản thế chấp
Theo Bloomberg, gã khổng lồ ngành tài chính là BlackRock và đối tác Securitize đã gửi lời đến các sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu, trong đó có Binance, OKX và Deribit, với đề nghị sử dụng token BUIDL do tập đoàn phát hành để làm tài sản thế chấp cho giao dịch futures.
BlackRock is pushing deeper into the massive market for crypto derivatives, leveraging its BUIDL token https://t.co/wiVvWX7ALv
— Bloomberg Crypto (@crypto) October 18, 2024
BUIDL là token đại diện cho quỹ tài sản về Real World Asset (RWA) của BlackRock, được khởi tạo vào tháng 3 năm nay. Quỹ này đầu tư trực tiếp vào trái phiếu kho bạc Mỹ để sinh lợi từ lãi suất cho nhà đầu tư. Token BUIDL do quỹ phát hành sẽ được xem như chứng nhận tiền gửi vào quỹ, đồng thời được duy trì giá trị so với đồng đô la Mỹ tương tự như stablecoin.
Tính đến thời điểm viết bài, BUIDL vẫn giữ nguyên vị thế là quỹ token hóa tài sản thực lớn nhất thế giới với vốn hóa thị trường đạt 547 triệu USD. Tuy nhiên, BUIDL chỉ chấp nhận các nhà đầu tư tổ chức tham gia, với số vốn bỏ vào tối thiểu là 5 triệu USD.
Cả BlackRock, Binance, OKX và Deribit đều từ chối xác nhận thông tin do Bloomberg đăng tải.
Thống kê các quỹ RWA lớn nhất ở thời điểm hiện tại. Nguồn: rwa.xyz (19/10/2024)
Hai trong số những đơn vị môi giới lớn nhất thị trường tiền mã hóa là FalconX và Hidden Road hiện đã cho phép sử dụng token BUIDL làm thế chấp.
Việc mở rộng cơ hội ứng dụng token BUIDL lên các sàn crypto lớn nhất thế giới như Binance, OKX và Deribit sẽ gia tăng đáng kể công dụng cho sản phẩm RWA này, giúp BlackRock không những mở khóa thanh khoản mà còn có khả năng thu hút thêm dòng tiền đầu tư mới đổ vào. Token BUIDL của BlackRock thậm chí có thể trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của các stablecoin hàng đầu hiện nay gồm USDT và USDC, hai cái tên được sử dụng rộng rãi làm thế chấp và phương tiện chuyển giao giá trị trong phân khúc phái sinh nói riêng và giao dịch crypto nói chung.
Báo cáo mới nhất của CCData chỉ ra rằng lĩnh vực phái sinh đang chiếm đến 70% tổng khối lượng giao dịch crypto toàn cầu, trị giá 3 nghìn tỷ USD. Mặc dù vậy, con số ấy đã giảm phân nửa so với giai đoạn cao điểm tháng 03/2024, khi giá Bitcoin lập kỷ lục mới.
Trong thời gian qua, liên tục có những tin đồn về việc các ông lớn tài chính của các nước Phương Tây “đánh tiếng” tham gia lĩnh vực stablecoin, trong đó có thể kể đến như BBVA, Revolut, Robinhood, State Street, PayPal với PYUSD,...
Bên cạnh đó, thị trường tiền mã hóa trong thời gian qua cũng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều dự án stablecoin mới, có thể kể đến UStb của Ethena, sử dụng quỹ BUIDL của BlackRock để bảo chứng; USDS của BitGo; USDS của Sky (MakerDAO); stablecoin thuật toán của DWF Labs; RLUSD của Ripple; deUSD của Elixir;…
Coincuatui tổng hợp
Nguồn: Coin68